Để thực hiện đam mê, năm 2017, chị Đỗ Thị Hồng Nhung quyết định bán một số đất đai của gia đình ở trung tâm xã Bình Nghi (huyện Tây Sơn) để vào thôn Đồng Sim, xã Tây Xuân mua 1 ha đất trồng cây có múi. Trong quá trình triển khai, sớm phát hiện lợi thế về điều kiện nguồn nguồn nước, khí hậu, thổ nhưỡng. Trong vòng 2 năm, Chị Nhung không ngừng mở rộng diện tích lên đến 9 ha, mạnh dạn đầu tư, cải tạo những diện tích đất đồi sỏi đá, bạc màu, quy hoạch thành quỹ đất bằng phẳng, đẹp để trồng 700 gốc bưởi, 3.000 gốc quýt đường và 1.000 gốc cam xoàn.
Để có quả ngọt, ắt hẳn không ít gian nan. Chị Nhung chia sẻ: Giờ nghĩ lại, tôi thấy mình liều lĩnh bởi để cải tạo địa hình từ đồi núi, đá sỏi lồi lõm, tôi đầu tư mua luôn 6 máy ủi – máy múc để san gạt mặt bằng. Không chỉ vậy, tôi còn tổ chức cải tạo đất, tạo độ xốp và gia tăng dinh dưỡng bằng phân chuồng, mùn dừa, phân hữu cơ vi sinh,… bởi muốn trồng được cây ăn trái theo hướng hữu cơ phải chấp nhận đầu tư lớn và lâu dài.
Nhờ đam mê, kiên trì với mục tiêu sản xuất nông nghiệp hữu cơ, vườn cây ăn trái quy mô và bề thế nhất ở huyện bước đầu đã có những tín hiệu tốt. Mùa thu trái bói đầu tiên năm vừa rồi, chị Nhung thu về khoảng 5 tấn bưởi, 30 tấn quýt và 10 tấn cam xoàn. Dự kiến năm tới, sản lượng các loại cây trong vườn sẽ tăng lên gấp 3 lần tương đương khoảng 90 tấn quýt, 15 tấn bưởi và 30 tấn cam. Mỗi năm thu 2 đợt, trung bình mỗi gốc cam, bưởi, quýt trưởng thành có thể thu hoạch từ 100 đến 200kg/năm. Trong đó, Cam xoàn là loại quả có giá trị kinh tế cao với giá bán từ 25.000 đồng - 30.000 đồng/1kg; quýt, bưởi dao động từ 20.000 - 25.000 đồng/1kg.
Với tôn chỉ kinh doanh “Cây khỏe - trái khỏe - người ăn khỏe”. Chị Nhung áp dụng quy trình trồng và chăm sóc cây toàn bộ theo hướng hữu cơ, an toàn. Chị Nhung chia sẻ: Phát triển theo hướng hứu cơ, cây chắc, bền, thu hoạch lâu dài về sau. Sản phẩm làm ra tốt cho sức khỏe người tiêu dùng. Dùng phân bón vô cơ phụ thuộc vào thị trường. Còn phân bón hữu cơ như phân bò, gà,... có sẵn tại địa phương, giá thành lại rẻ. Ngoài ra, tôi còn dùng phân hữu cơ vi sinh nhập của Nhật để bổ sung các yếu tố trung vi lượng giúp cải tạo đất tốt. Loại phân này giá thành cao gấp 5 lần so với phân hóa học. Nhưng bù lại cây khỏe mạnh, rất ít bệnh. Dùng phân hóa học các tế bào phát triển nhanh, cây yếu, sức đề kháng kém sẽ sinh ra nhiều sâu bệnh.
Nhờ canh tác an toàn, sản phẩm quả không những đạt trọng lượng, chất lượng tốt, hình thức đẹp được thị trường nhiều nơi đón nhận, tiêu thụ ở thành phố Đà Nẵng, tỉnh Quảng Ngãi, tỉnh Gia Lai,… và tiêu thụ tại một số siêu thị phía Nam. Để tìm chỗ đứng xứng đáng với giá trị sản phẩm tạo ra, đăng ký sản phẩm OCOP là bước đầu tiên để chị Nhung đưa sản phẩm đi xa hơn, tạo thương hiệu đặc trưng nhằm hướng đến phát triển nông nghiệp sạch, nông nghiệp hữu cơ thân thiện với môi trường, có kết nối, liên kết đầu ra.
Ông Đỗ Cao Phi - Chủ tịch Hội Nông dân xã Tây Xuân: Để đạt hiệu quả kinh tế cao hơn trong sản xuất nông nghiệp cần những mô hình canh tác như của chị Nhung và hơn nữa rất cần sự liên kết sản xuất, kinh doanh theo chuỗi sản phẩm để đảm bảo ổn định. Chính vì vậy, cùng với chính quyền địa phương, chúng tôi đang vận động, tạo điều kiện, hỗ trợ chị Nhung đăng ký 3 sản phẩm gồm bưởi, quýt đường và cam xoàn đạt chứng nhận sản phẩm OCOP cấp tỉnh trong năm 2022.
Nguyệt Ánh
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn