Tại hội thảo tổng kết, đánh giá kết quả thực hiện mô hình thử nghiệm mới tổ chức ngày 19/8/2022, nông dân tham gia mô hình, đại diện chính quyền địa phương và Trung tâm DVNN huyện đều đánh giá cao giống lúa ST 25. Theo đó, giống lúa có thời gian sinh trưởng khoảng 100 - 105 ngày, cây gọn, chiều cao cây trung bình, đẻ nhánh khá, quang hợp tốt, rễ phát triển khỏe, cứng cây, chống chịu đổ ngã tốt, mật độ và tỷ lệ nhiễm các loại sâu sâu bệnh thấp; năng suất ước đạt 66 tạ/ha. Năng suất không cao nhưng bù lại giá gạo ST 25 cao hơn nên canh tác lúa ST 25 lãi gần 19 triệu đồng/ha, cao hơn ruộng đối chứng gần 7 triệu đồng/ha.
Với diện tích đất canh tác 3 sào, cho năng suất cao trong mô hình, ông Võ Minh Đức, ở xóm 3, thôn Mỹ Thuận, xã Tây Bình, phấn khởi cho biết: Ngay từ đầu, tôi đã thực hiện các khâu theo đúng quy trình hướng dẫn mà cán bộ khuyến nông truyền đạt, trong đó ưu tiên phân hữu cơ. Điều kiện thổ nhưỡng ở đây thích hợp nên giống lúa ST25 sinh trưởng, phát triển rất khỏe, cứng cây. Với mức lãi như vừa qua, chúng tôi thấy đây là giống lúa nên phát triển ở địa phương.
Ông Trương Thế Việt - Phó trưởng Phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Tây Sơn, cho biết: Từ hiệu quả mô hình, chúng tôi đề xuất UBND huyện có chính sách hỗ trợ, tạo điều kiện khuyến khích các doanh nghiệp, hợp tác xã nông nghiệp hợp đồng sản xuất và mua gom lúa cho nông dân. Các địa phương và các hội, đoàn thể tăng cường tuyên truyền, vận động nhân dân triển khai nhân rộng mô hình để thay thế dần các giống lúa kém chất lượng và hay nhiễm sâu bệnh, tạo ra sản phẩm lúa gạo chất lượng cao, qua đó nâng cao thu nhập cho người trồng lúa.
Văn Phong
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn