Tham dự có Lãnh đạo các cơ quan, đơn vị: Phòng Nông nghiệp và PTNT huyện; Phòng Tài chính - Kế hoạch huyện; Phòng Tài nguyên và Môi trường huyện; Phòng Kinh tế và Hạ tầng huyện; Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội huyện; Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện; Trung tâm Văn hóa - Thông tin - Thể thao huyện; Hội Liên hiệp Phụ nữ huyện; Hội Nông dân huyện; Huyện đoàn Tây Sơn; Lãnh đạo UBND và công chức phụ trách công tác Địa chính - Nông nghiệp, Chăn nuôi - Thú y của UBND các xã, thị trấn; Đại diện các hội, đoàn thể của các xã, thị trấn: Nông dân, Phụ nữ, Đoàn Thanh niên; Các tổ chức, cá nhân có nhu cầu chăn nuôi gà thả đồi; đầu tư xây dựng cơ sở giết mổ gia cầm trên địa bàn huyện
Hội nghị đã triển khai nội dung Quyết định số 41/2022/QĐ-UBND ngày 04/8/2022 của UBND tỉnh Bình Định về Ban hành quy định chính sách khuyến khích nuôi gà thả đồi trên địa bàn tỉnh Bình Định giai đoạn 2022 - 2026.
Chính sách phát triển gà thả đồi trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2022 - 2026 được áp dụng tại các huyện trung du, miền núi gồm: Vân Canh, Vĩnh Thạnh, An Lão, Hoài Ân, Tây Sơn và xây dựng cơ sở giết mổ, bảo quản, chế biến và tiêu thụ gà thả đồi trên địa bàn tỉnh. Chính sách đã đưa ra nhiều giải pháp hỗ trợ người chăn nuôi, gồm: Kinh phí xây dựng hệ thống chuồng trại hợp vệ sinh; chuyển giao quy trình kỹ thuật chăn nuôi; hỗ trợ thực hiện các chuỗi liên kết tiêu thụ sản phẩm gà đồi,…
Theo đó, đối tượng được nhận hỗ trợ là hộ chăn nuôi, tổ hợp tác, hợp tác xã, doanh nghiệp tham gia liên kết sản xuất, giết mổ, chế biến, bảo quản, tiêu thụ sản phẩm gà thả đồi. Các đối tượng được hưởng hỗ trợ 100% kinh phí tập huấn kỹ thuật chăn nuôi gà thả đồi; hỗ trợ 50% chi phí mua con giống 01 ngày tuổi cho 02 lứa nuôi trong năm, hỗ trợ 02 năm liên tục, tối đa không quá 6.000 đồng/con. Điều kiện để được nhận hỗ trợ, các cơ sở chăn nuôi phải có quy mô nuôi tối thiểu 3.000 con gà thịt cho 01 lứa nuôi; Xây dựng chuồng trại nuôi phải bảo đảm an toàn sinh học và diện tích đồi để thả gà tối thiểu 1.500m2, vị trí xây dựng chuồng trại đảm bảo theo đúng quy định của Luật Chăn nuôi; Cam kết nuôi đúng quy trình kỹ thuật, thực hiện các biện pháp an toàn sinh học trong chăn nuôi đảm bảo an toàn dịch bệnh, an toàn thực phẩm, bảo vệ môi trường.
Đối với hỗ trợ đầu tư xây dựng và hoạt động cơ sở giết mổ, chế biến, bảo quản, tiêu thụ sảm phẩm gà đồi, Nhà đầu tư có dự án đầu tư xây dựng cơ sở giết mổ bằng hình thức cơ giới, chế biến, bảo quản, tiêu thụ sản phẩm gà thả đồi trên địa bàn tỉnh được hỗ trợ 60% tổngmức đầu tư trong hàng rào dự án đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt, nhưng tối đa không quá 02 tỷ đồng/dự án để xây dựng cơ sở hạ tầng về diện, nước, nhà xưởng, xử lý chất thải và mua thiết bị; trường hợp dự án chưa có đường giao thông, hệ thống điện, cấp thoát nước đến hàng rào dự án thì được hỗ trợ thêm 70% chi phí để đàu tư xây dựng các hạng mục trên, nhưng không quá 03 tỷ đồng/dự án. Đồng thời, hỗ trợ phí kiểm soát giết mổ với mức 100% cho năm thứ nhất và 50% cho năm thứ hai từ khi cơ sở đi vào hoạt động.
Tham gia ý kiến tại hội nghị, các đại biểu rất phấn khởi vì chính sách có nhiều thuận lợi giúp hộ dân phát huy lợi thế địa phương để phát triển chăn nuôi gà có tính quy mô, liên kết tiêu thụ sản phẩm ổn định,… Để chính sách phù hợp với thực tế, nhiều ý kiến quan tâm đến vấn đề con giống, quy mô nuôi và khâu giết mổ, tiêu thụ sản phẩm...
Kết luận tại hội nghị, đồng chí Phan Chí Hùng - Chủ tịch UBND huyện chỉ đạo các ngành, đơn vị và địa phương tập trung tuyền truyền, thông tin đầy đủ nội dung chính sách để người dân nắm bắt, thực hiện. Bà con nông dân cần rà soát lại nhu cầu, điều kiện chăn nuôi để đăng ký tham gia. Các xã, thị trấn lập danh sách, số lượng hộ đăng ký tham gia gửi về huyện trước ngày 15/11/2022. Giao Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện chủ trì tham mưu cho UBND huyện triển khai chính sách nuôi gà thả đồi đạt kết quả cao nhất.
Nguyệt Ánh
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn