Bệnh viêm kết mạc cấp hay còn gọi là bệnh đau mắt đỏ, rất dễ mắc, dễ lây lan trong cộng đồng và gây thành dịch. Cho đến nay chưa có vắc xin phòng bệnh, chưa có thuốc điều trị đặc hiệu và những người bị đau mắt đỏ rồi vẫn có thể bị nhiễm lại chỉ sau vài tháng khỏi bệnh. Theo báo cáo của Bệnh viện Mắt, tính từ ngày 21/8 đến ngày 11/9/2023 trên địa bàn tỉnh đã ghi nhận 561 bệnh nhân mắc viêm kết mạc cấp, trong đó có 173 trường hợp là trẻ em dưới 16 tuổi (chiếm 30,8%). Số ca mắc trên địa bàn tỉnh có xu hướng gia tăng nhưng đa phần có triệu chứng nhẹ, hiện nay chưa ghi nhận trường hợp nào cần phải nhập viện điều trị.
Theo Công văn số 3403/SYT-NVY ngày 18/9/2023 của Sở Y tế Bình Định về việc tăng cường công tác phòng, chống bệnh đau mắt đỏ; để chủ động trong công tác phòng, chống bệnh đau mắt đỏ, Chủ tịch UBND huyện yêu cầu:
1. Trung tâm Y tế huyện
- Phối hợp với Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện trong công tác phòng, chống dịch bệnh đau mắt đỏ tại các trường học trên địa bàn, tập trung vào một số nội dung sau:
+ Phối hợp, hướng dẫn các cơ sở giáo dục thực hiện tốt biện pháp phòng bệnh đau mắt đỏ trong trường học và thông báo ngay cho Trung tâm Y tế, Trạm Y tế trên địa bàn khi phát hiện học sinh mắc bệnh để triển khai xử lý ổ dịch kịp thời, triệt để.
+ Giám sát, hướng dẫn các trường học, đặc biệt là trường mầm non, tiểu học phải đảm bảo vệ sinh trường học, thường xuyên vệ sinh bàn ghế học sinh, đồ chơi, đồ dùng học tập bằng xà phòng hoặc chất tẩy rửa thông thường; cung cấp đủ xà phòng, nước sạch, dung dịch sát khuẩn tay cho học sinh, giáo viên.
+ Đẩy mạnh truyền thông phòng bệnh đau mắt đỏ cho giáo viên, học sinh và phụ huynh; truyền thông tạo sự đồng thuận của phụ huynh, không để học sinh mắc bệnh đau mắt đỏ đã được chỉ định nghỉ học đến trường.
- Tăng cường tuyên truyền, hướng dẫn, tư vấn cho bệnh nhân và người nhà bệnh nhân về các biện pháp phòng tránh bệnh đau mắt đỏ. Tổ chức tốt việc khám, phát hiện bệnh nhân đau mắt đỏ.
- Thực hiện đúng quy định của Bộ Y tế về phác đồ điều trị, hội chẩn, chuyển tuyến, hạn chế đến mức thấp nhất biến chứng nặng liên quan đến bệnh đau mắt đỏ.
- Chuẩn bị đầy đủ thuốc, vật tư y tế phòng, điều trị bệnh.
- Tăng cường công tác kiểm soát nhiễm khuẩn, tránh lây nhiễm chéo trong cơ sở điều trị.
- Thực hiện nghiêm túc chế độ thông tin báo cáo và khai báo bệnh, dịch bệnh truyền nhiễm theo quy định tại Thông tư số 54/2015/TT-BYT ngày 28/12/2015 của Bộ Y tế.
2. Phòng Y tế huyện: Phối hợp với Trung tâm Y tế huyện theo dõi tình hình bệnh đau mắt đỏ, kịp thời tham mưu UBND huyện chỉ đạo thực hiện có hiệu quả các biện pháp phòng, chống dịch bệnh trên địa bàn huyện.
3. Phòng Văn hóa và Thông tin huyện, Trung tâm Văn hóa - Thông tin - Thể thao huyện và Đài truyền thanh các địa phương: Phối hợp với ngành y tế tăng cường truyền thông về bệnh đau mắt đỏ để người dân hiểu được nguyên nhân, đường lây và các các biện pháp phòng, chống cho cá nhân, cộng đồng thông qua hệ thống đài truyền thanh của huyện và của xã, ưu tiên phát sóng và đưa các thông điệp, khuyến cáo về phòng, chống bệnh đau mắt đỏ.
4. Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện, các trường THPT trên địa bàn huyện và Trung tâm GDNN - GDTX huyện: Chủ động phối hợp với ngành y tế để tổ chức tuyên truyền sâu rộng tại các trường học, đặc biệt tại các nhà trẻ, trường mầm non về các biện pháp phòng, chống bệnh đau mắt đỏ, bảo đảm các cơ sở giáo dục có đủ các phương tiện rửa tay, xà phòng. Thực hiện vệ sinh lớp học, vệ sinh môi trường, cung cấp nước sạch, thường xuyên vệ sinh mặt bàn, ghế, làm sạch bề mặt và đồ chơi hàng ngày bằng xà phòng hoặc các chất tẩy rửa thông thường. Phát hiện sớm các trường hợp mắc bệnh tại các cơ sở giáo dục, thông báo ngay cho cơ quan y tế địa phương để tổ chức khám, điều trị và xử lý ổ dịch kịp thời.
5. Chủ tịch UBND các xã, thị trấn
- Chỉ đạo các ban, ngành và các đoàn thể địa phương huy động lực lượng phối hợp với ngành y tế triển khai các biện pháp, phòng chống bệnh đau mắt đỏ.
- Tổ chức tuyên truyền vận động cộng đồng dân cư thực hiện tốt các biện pháp vệ sinh môi trường, vệ sinh cá nhân, rửa tay bằng xà phòng, giữ gìn đồ chơi sạch cho trẻ để phòng, chống bệnh đau mắt đỏ.
- Cân đối, bố trí ngân sách địa phương và huy động các nguồn lực hợp pháp khác để phục vụ công tác phòng, chống bệnh đau mắt đỏ tại địa phương.
6. Đề nghị Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam huyện và các hội, đoàn thể huyện: Phối hợp với ngành y tế và các phòng, ban, ngành, địa phương liên quan vận động cán bộ, hội viên, đoàn viên tham gia tích cực, trực tiếp tuyên truyền bằng nhiều hình thức đến tận hộ gia đình, các bậc cha mẹ, người chăm sóc trẻ về thực hiện các biện pháp phòng, chống bệnh đau mắt đỏ theo hướng dẫn của ngành y tế.
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn