Quyết tâm đạt huyện nông thôn mới năm 2023

Thứ sáu - 02/04/2021 09:32
Qua 5 năm thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện lần thứ XX về “Đẩy mạnh phát triển nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới, giai đoạn 2015 - 2020”, đến nay, huyện Tây Sơn có 10/13 xã đạt chuẩn nông thôn mới.
Xã nông thôn mới Tây Phú
Xã nông thôn mới Tây Phú

Những kết quả đạt được
Qua 5 năm thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện lần thứ XX về “đẩy mạnh phát triển nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới, giai đoạn 2015 - 2020” đến diện mạo nông thôn của huyện Tây Sơn có nhiều đổi thay.
Hạ tầng kinh tế - xã hội được đầu tư đồng bộ theo quy hoạch; cơ cấu kinh tế chuyển dịch đúng hướng và ngày càng phát triển; sản xuất nông nghiệp chuyển dần theo hướng nâng cao hiệu quả gắn với nhu cầu thị trường; đời sống vật chất và tinh thần của người dân nông thôn được cải thiện đáng kể; giáo dục, y tế, văn hóa tiếp tục được duy trì và nâng cao; môi trường sinh thái được quan tâm bảo vệ; an ninh chính trị , an toàn trật tự xã hội nông thôn được giữ vững.
Tính đến năm 2020, toàn huyện có 10/13 xã đạt chuẩn nông thôn mới, đạt 76,9% trên tổng số xã; số tiêu chí đạt bình quân/ xã là 17,77 tiêu chí, tăng 0,15 tiêu chí so với năm 2019; không có xã đạt dưới 5 tiêu chí; thu nhập bình quân đầu người đạt 45,3 triệu đồng người/ năm, tăng 5,8 triệu đồng so với năm 2019; tỷ lệ hộ nghèo 3,77%; tỷ lệ người dân tham gia bảo hiểm y tế 93,02%, tăng 1,69% so với năm 2019; tỷ lệ hộ dân được sử dụng nước sạch 64,2%.
Về tiêu chí huyện nông thôn mới, đạt 5/9 tiêu chí gồm: tiêu chí số 1 (quy hoạch); tiêu chí số 3 (thủy lợi); tiêu chí số 4 (điện); tiêu chí số 8 (an ninh, trật tự xã hội); tiêu chí số 9 (chỉ đạo xây dựng nông thôn mới), đạt tỷ lệ 55%. Còn lại 4 tiêu chí chưa đạt: tiêu chí 2 ( giao thông); tiêu chí 5 (y tế, văn hóa, giáo dục); tiêu chí 6 (sản xuất); tiêu chí 7 ( môi trường).
Nhiều nhiệm vụ và giải pháp cụ thể đưa Tây Sơn đạt chuẩn nông thôn mới năm 2023
Mục tiêu năm 2021, huyện Tây Sơn phấn đấu xây dựng 2 xã Bình Thành và Bình Tân đạt chuẩn nông thôn mới; xã Vĩnh An hoàn thành thêm 5 tiêu chí, phấn đấu đến cuối năm 2021 xã Vĩnh An đạt 12/19 tiêu chí xây dựng nông thôn mới, hoàn xây dựng xã nông thôn mới vào năm 2023. Đồng thời tiếp tục hoàn thiện và nâng cao các tiêu chí đưa Tây Sơn đạt huyện nông thôn mới vào năm 2023. Đến năm 2025 có 2 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao.
Để đạt được các mục tiêu này, với quyết tâm cao, huyện Tây Sơn đã đặt ra nhiều nhiệm vụ và giải pháp thực hiện theo từng mốc thời gian cụ thể. Riêng trong năm 2021, đối với xã Bình Thành phấn đấu đạt tiêu chí 19 (Quốc phòng và an ninh) đồng thời bổ sung, hoàn thiện các tiêu chí đã đạt nhưng thiếu tính bền vững. Xã Bình Tân tăng cường đầu tư sửa chữa, xây dựng cơ sở  vật chất, hạ tầng để đạt tiêu chí số 5 (trường học) tiêu chí số 6 (cơ sở vật chất văn hóa). Tích cực xử lý, di dời các hộ chăn nuôi gây ô nhiễm trong khu dân cư ra khu tập trung để đạt tiêu chí số 17 (môi trường và an toàn thực phẩm). Trong chuỗi các nhiệm vụ, giải pháp trung và ngắn hạn này khó khăn nhất vẫn là mục tiêu xây dựng xã Vĩnh An đạt chuẩn nông thôn mới vào năm 2023.
Ông Huỳnh Thanh Sơn - Bí thư Đảng ủy xã Vĩnh An cho biết: Là xã miền núi gần 90% dân số là đồng bào bana, tỷ lệ hộ nghèo cao, đời sống kinh tế còn nhiều khó khăn. Hiện nay, Vĩnh An mới chỉ đạt 5/19 tiêu chí xã nông thôn mới. Người dân còn mang nặng tư tưởng trông chờ, ỷ lại vào sự hỗ trợ của nhà nước. Cần khá nhiều thời gian để tuyên truyền thay đổi nhận thức, cách nghĩ cách làm cho bà con nhân dân. Rất nhiều tiêu chí khó đạt được trong thời gian ngắn. Vì vậy ngoài sự nổ lực của địa phương cần sự chung tay hỗ trợ của các cấp, ngành để giúp cho xã Vĩnh An hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới vào năm 2023.
Đồng chí Phan Chí Hùng - Chủ tịch UBND huyện xác định vấn đề giải quyết việc làm, tạo thu nhập, nâng cao đời sống, giảm tỷ lệ hộ nghèo là nhiệm vụ then chốt tác động đến tất cả các tiêu chí trong tổng thể bức tranh xây dựng nông thôn mới của xã Vĩnh An. Trên tinh thần ưu tiên, tận dụng tối đa các nguồn lực để đầu tư cho xã Vĩnh An. UBND huyện giao cho Phòng Kinh tế hạ tầng và Phòng nông nghiệp và phát triển nông thôn huyện vận dụng tất cả các nguồn khuyến nông; khuyến công; các mô hình; các chương trình dự án tập trung ưu tiên đầu tư cho xã Vĩnh An. Bên cạnh đó, chỉ đạo thành lập tổ công tác của huyện trực tiếp hỗ trợ  xây dựng nông thôn mới ở Vĩnh An. Với nhiệm vụ cụ thể, Tổ công tác sẽ trực tiếp sâu sát với cơ sở, “cầm tay chỉ việc” “dẫn dắt” bà con phát triển kinh tế bằng những bước đi vững chắc nhất. Kịp thời tham mưu cho Ban Chỉ đạo xây dựng nông thôn mới huyện xây dựng các giải pháp phù hợp nhất giúp Vĩnh An hoàn thành các mục tiêu xây dựng nông thôn mới. Cụ thể: Hỗ trợ địa phương quy hoạch đất sản xuất, đầu tư cơ sở hạ tầng giao thông, thủy lợi và các thiết chế văn hóa; phát triển các mô hình làm kinh tế,... Cùng với sự hỗ trợ của các cấp ngành, xã Vĩnh An bằng nhiều hình thức tuuyền truyền, thay đổi tư tưởng trông chờ ỷ lại của người dân, xóa bỏ hủ tục lạc hậu. Mở các lớp học nghề. Thành lập Hợp tác xã nông nghiệp dịch vụ tổng hợp, kinh doanh phát triển một số loại sản phẩm đặc trưng của địa phương gắn với phát triển du lịch như mật ong, trồng chuối, nuôi heo đen, ủ rượu cần, dệt thổ cẩm, làm mô hình nhà sàn,…
Đi đôi với các nhiệm vụ trên, huyện Tây Sơn tiếp tục rà soát, điều chỉnh quy hoạch  xây dựng vùng huyện để đảm bảo theo yêu cầu của tiêu chí quy hoạch vùng huyện nông thôn mới. Triển khai quy hoạch phân khu, quy hoạch chi tiết theo quy hoạch vùng huyện để từng bước đầu tư kết cấu hạ tầng và phát triển kinh tế -  xã hội, đáp ứng yêu cầu của huyện nông thôn mới.
Về sản xuất: Cơ cấu lại ngành nông nghiệp theo hướng toàn diện gắn với phát triển các ngành công nghiệp, dịch vụ, tạo việc làm, tăng thu nhập. Chuyển đổi cơ cấu cây trồng, mùa vụ. Hình thành vùng sản xuất nông nghiệp hàng hoá tập trung đối với các sản phẩm nông nghiệp chủ lực của huyện như lúa chất lượng cao, ngô ngọt, rau sạch; vùng chuyên sản xuất đậu phụng; vùng sản xuất cây có múi, cây ăn quả... Xây dựng các mô hình liên kết sản xuất  gắn với chế biến, tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp, xây dựng thương hiệu sản phẩm. Thực hiện chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP). Phát triển chăn nuôi theo hướng gia trại, trang trại; hình thành các vùng chăn nuôi bò thịt chất lượng cao. Phát triển lâm nghiệp toàn diện. Xây dựng và nhân rộng mô hình trổng rừng kinh doanh gỗ lớn và trồng rừng đạt tiêu chuẩn “FSC” để nâng cao giá trị rừng trồng.
Xây dựng hoàn thiện hệ thu gom, xử lý chất thải rắn trên địa bàn huyện đạt chuẩn; tiếp tục đầu tư giai đoạn 2 bãi chôn lấp chất thải rắn của huyện tại thôn Phú An, xã Tây Xuân và đầu tư xây mới bãi chôn lấp chất thải rắn ở phía Bắc huyện,… 
Nguyệt Ánh

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

LỜI CHÀO MỪNG
Lời chào mừng
Liên kết Web
THỐNG KÊ
  • Đang truy cập82
  • Hôm nay12,073
  • Tháng hiện tại110,173
  • Tổng lượt truy cập6,848,135
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây