Bình An (cũ) hôm nay

Thứ sáu - 25/02/2022 16:27
Bình An cũ (nay là 3 xã Tây Vinh, Tây Bình và Tây An), cách đây tròn 56 năm (26/2/1966 - 26/2/2022), tại vùng đất này dưới sự chỉ huy của đế quốc Mỹ, chư hầu Nam Triều Tiên đã tổ chức nhiều đợt càn quét, đốt sạch nhà cửa, lúa gạo, trâu bò và sát hại 1.004 đồng bào vô tội chủ yếu là người già và trẻ em.
Ông Phan Văn Phúc, một người dân ở xã Tây Vinh có 6 người thân bị sát hại trong vụ thảm sát Bình An
Ông Phan Văn Phúc, một người dân ở xã Tây Vinh có 6 người thân bị sát hại trong vụ thảm sát Bình An

Để tưởng nhớ, hàng năm vào ngày 26/02, huyện Tây Sơn đều tổ chức Lễ tưởng niệm và Lễ giỗ những người dân vô tội đã mãi mãi ra đi cách đây hơn nửa thế kỷ về trước.
Trong chiến tranh, khu vực Bình An là một địa bàn trọng yếu, phía Đông Bắc là sân bay Phù Cát, phía chính Bắc có núi Trà Ran là một cao điểm lợi hại. Phía Đông có núi Thơm, là một căn cứ pháo binh của địch. Toàn bộ địa phận của xã lọt vào giữa một khu vực có nhiều đầu mối giao thông quan trọng. Tỉnh lộ 636 chạy qua mặt Bắc và Đông, nối thông với sân bay Phù Cát, đường sắt Bắc - Nam và Quốc lộ 1A. Mặt phía Nam tiếp giáp với sông Kôn và xa hơn về phía Nam chừng 4 km là Quốc lộ 19 nối liền vùng đồng bằng, duyên hải với Tây Nguyên. Bình An là mảnh đất giàu truyền thống quật cường trong đấu tranh cách mạng. Với truyền thống đó, ngày 06/5/1965, vào thời điểm ngụy quân, ngụy quyền đang hoang mang, tan rã trước nguy cơ phá sản hoàn toàn của chiến lược “chiến tranh đặc biệt”, nhân dân Bình An đã nhất tề nổi dậy giải phóng quê hương lập nên chính quyền cách mạng.
Sau thất bại này bọn địch vô cùng điên cuồng. Với khẩu hiệu “đốt sạch, phá sạch, giết sạch”, bắt đầu từ đầu tháng 02/1966 các đơn vị lính Nam Hàn mở màn một chiến dịch hành quân khủng bố tàn bạo chưa từng có. Ngày 26/02 đi vào lịch sử Bình An cũng như lịch sử tỉnh Bình Định như là một ngày đẫm máu và nước mắt với sự kiện thảm khốc diễn ra tại Gò Dài (thôn An Vinh). Tại đây, bọn lính Nam Hàn đã dồn tất cả những người chúng bắt được ở các thôn về đây, chúng đã giết hại 380 người. Chiến dịch thảm sát của địch đã để lại cho Bình An những hậu quả thật thê thảm. Tổng cộng có trên 1.000 dân lành bị giết hại, trong đó phần lớn là người già, phụ nữ và trẻ em. 1.535 trong tổng số 1.592 ngôi nhà bị tàn phá, 649 con trâu, bò bị chết,…
Với ý chí biến đau thương thành hành động cách mạng, quân và dân xã Bình An đã liên tục tiến công trên các chiến trường để đánh thắng quân xâm lược và bè lũ bán nước, góp phần giải phóng quê hương, đất nước vào mùa xuân đại thắng năm 1975. Ghi nhận thành tích đó, 14/15 xã, thị trấn trên địa bàn huyện Tây Sơn đã được Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân; xã Bình An là đơn vị đầu tiên của huyện được Nhà nước phong tặng danh hiệu cao quý này.

Ngôi một tập thể vụ thảm sát Bình An

Ngày nay, 03 xã thuộc Bình An (cũ) đã không còn tiếng súng, tiếng bom đạn của chiến tranh mà thay vào đó là sự ổn định, thịnh vượng và yên bình của một vùng quê ngày càng phát triển và hội nhập sâu rộng. Cùng với sự phát triển chung của huyện nhà, về Tây Vinh, Tây Bình và Tây An hôm nay đâu đâu cũng đồng lúa xanh mướt, bê tông hóa giao thông nông thôn đến từng ngóc ngõ của các hộ dân, đời sống kinh tế - xã hội ngày một khấm khá sau cơn ác mộng của 56 năm về trước. Đảng bộ và nhân dân 3 xã luôn chung sức, chung lòng, đoàn kết xây dựng quê hương ngày càng giàu mạnh, kết cấu hạ tầng xã hội được tăng cường. Công tác xóa đói giảm nghèo, an sinh xã hội và đời sống vật chất tinh thần của nhân dân ngày càng được cải thiện,... Đến nay, 3 xã Tây Vinh, Tây Bình, Tây An đã đạt chuẩn nông thôn mới và tiếp tục nâng cao chất lượng các tiêu chí đã đạt. Năm 2022, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân 3 xã Bình An (cũ) tiếp tục tập trung phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh, xứng đáng với truyền thống cách mạng quật cường của địa phương, trong đó có xã Tây Vinh.
Những gì mà quân xâm lược gây ra trên đất Bình An là tội ác không gì xót thương, đớn đau hơn. Những người dân hiền lành nơi đây luôn mong có được cuộc sống bình yên như chính tên gọi của làng mình nhưng đã bị quân thù giày xéo. Con đường duy nhất họ phải lựa chọn là vùng lên đấu tranh bảo vệ lấy cuộc sống của mình. Đến Bình An (cũ) hôm nay sự sống đã hồi sinh, bộ mặt thôn quê ngày càng đổi mới khang trang, nhưng tội ác dã man của quân giặc thì mãi mãi còn khắc cốt ghi xương đối với người dân địa phương. Di tích còn lại về vụ thảm sát Bình An là một ngôi mộ tập thể dài 33m, rộng 1,5m chôn xác 380 nạn nhân. Khu tưởng niệm Gò Dài được Bộ Văn hóa xếp hạng Di tích lịch sử cách mạng quốc gia năm 1988.
Văn Phong

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

LỜI CHÀO MỪNG
Lời chào mừng
Liên kết Web
THỐNG KÊ
  • Đang truy cập11
  • Hôm nay3,877
  • Tháng hiện tại107,614
  • Tổng lượt truy cập6,692,029
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây