Điểm sáng Bình Tường
Từ ngày triển khai mô hình, những khái niệm như rác hữu cơ, rác vô cơ, chế phẩm sinh học, phân vi sinh,… vốn khá xa lạ đã trở thành quen thuộc với người dân xã Bình Tường. Từ tháng 9/2022, được sự hỗ trợ của Quỹ Bảo vệ môi trường tỉnh Bình Định, thôn Hòa Trung, xã Bình Tường đưa vào thực hiện mô hình thu gom, phân loại, xử lý chất thải rắn tại nguồn. Các hộ được hỗ trợ 2 xô nhựa đựng rác hữu cơ và vô cơ, được tham gia các lớp tập huấn. Các tình nguyện viên đến tận nhà hướng dẫn cách thức phân loại rác; riêng các hộ thực hiện ủ rác thải hữu cơ được hỗ trợ 2 bồn ủ 500 lít, xô thu gom và chế phẩm sinh học Trichodema. Hiện có 100 hộ tham gia phân loại rác tại nguồn, Đội thu gom - ủ rác có 7 hộ thành viên.
Đến thăm thôn Hòa Trung, tại nhà của nhiều hộ dân đều có hai xô rác, một đựng rác hữu cơ, một đựng rác vô cơ. Định kỳ sẽ có người đến tận nhà thu gom và đưa đi xử lý, ủ phân vi sinh. Nhờ khâu phân loại, lượng rác gom đi tiêu hủy giảm hẳn, người đi thu gom rác đỡ vất vả. Ông Nguyễn Thu - thành viên của Đội thu gom - ủ rác hữu cơ bằng chế phẩm sinh học: Chúng tôi luân phiên đi gom rác thải hữu cơ của các hộ trong thôn về ủ thành phân bón phục vụ sản xuất nông nghiệp hữu cơ. Dịch phân chiết từ rác hữu cơ pha loãng tưới cho rau có kết quả tốt, không cần phải bón thêm một loại phân nào nữa. Phân vi sinh còn giúp hạn chế sâu bệnh, nhờ đó, giảm chi phí đầu vào khá nhiều. Lượng phân do đội thu gom sản xuất hiện đủ bón cho khoảng 3 ha rau.
Ông Đoàn Minh Bài - Phó Chủ tịch UBND xã Bình Tường: Mô hình phân loại - ủ rác đã được nhân rộng 3/3 thôn. Xã đã cấp 580 xô, sọt đựng rác; 72 thùng rác và 3 xe đẩy thu gom rác cùng nhiều tờ rơi tuyên truyền, hướng dẫn cách thức phân loại rác thải. Đến nay, 50% số hộ trong xã đã tham gia phân loại rác tại nguồn và đang tăng dần. Từ ngày triển khai mô hình đường làng, ngõ xóm sạch sẽ hẳn lên, mọi người ai cũng thích. Vừa qua, Bình Tường được công nhận là xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao. Biết hiệu quả mô hình này, thị xã Hoài Nhơn và huyện Vĩnh Thạnh đã đến tham quan, học tập.
Giải thích tường tận, cùng nhau phân loại
Ông Nguyễn Văn Khánh - Phó Chủ tịch UBND huyện: Khi đặt mục tiêu phấn đấu đạt chuẩn huyện nông thôn mới vào cuối năm 2023, chúng tôi xác định tiêu chí về môi trường là tiêu chí khó. Do vậy, bên cạnh việc thực hiện các giải pháp như: Mở rộng phạm vi, nâng cao tầng suất thu gom rác thải; xây dựng hố thu gom, nhà lưu chứa chất thải độc hại, bao bì thuốc bảo vệ thực vật,… chúng tôi huy động cả hệ thống chính trị cùng vào cuộc động viên, khuyến khích người dân phân loại rác thải từ đầu nguồn, thu gom và xử lý rác thải đúng cách. Khi giải thích tường tận, hiểu rõ vấn đề, người dân ủng hộ thì ngay cả một xã miền núi như Vĩnh An cũng thành công. Hiện nay, xã này đã có 75 hộ (30% số hộ của xã) đã thực hiện việc phân loại, xử lý rác tại nguồn.
Đến nay, có 15/15 xã, thị trấn của huyện Tây Sơn đã ban hành kế hoạch và triển khai tập huấn, tuyên truyền, hướng dẫn công tác phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn đến các hộ gia đình. Nhờ thực hiện phân loại, xử lý rác thải hữu cơ tại nguồn nên lượng rác thải bước đầu đã giảm đáng kể, tiết kiệm được nhiều công sức, chi phí và góp phần giúp môi trường nông thôn thêm sạch, đẹp. Vừa qua, UBND huyện phối hợp với Sở Tài nguyên và Môi trường, Sở Nông nghiệp và PTNT triển khai thực hiện mô hình điểm của tỉnh về thu gom, phân loại, xử lý chất thải sinh hoạt tại nguồn kết hợp ủ rác thải hữu cơ cho 210 hộ tại khối Thuận Nghĩa, thị trấn Phú Phong.
Ông Quách Văn Cầu - Giám đốc HTXNN Thuận Nghĩa cho biết, ở Thuận Nghĩa lượng rác hữu cơ từ gốc rau, lá rau rất lớn. Mô hình này được triển khai sẽ đem lại hiệu quả cao trong bảo vệ môi trường, tiết kiệm chi phí sản xuất và nâng cao độ an toàn cho các sản phẩm rau.
Bà Hà Thị Thanh Hương - Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và MT tỉnh: Mô hình phân loại, xử lý rác thải tại nguồn đã được triển khai ở nhiều nơi trên địa bàn tỉnh, nhưng Thuận Nghĩa là nơi được chọn làm điểm theo Luật Bảo vệ môi trường năm 2020. Ở đây, có nhiều điều kiện thuận lợi để thực hiện mô hình này, đặc biệt là người dân đã làm quen với việc triển khai mô hình, có đội ngũ cán bộ thôn, khối phố nhiệt tình ủng hộ, lại có vùng canh tác nông nghiệp; thuận lợi để tiếp nhận và sử dụng phân bón hữu cơ sau ủ,... Hiện tại, chúng tôi đang bám sát, nỗ lực hướng dẫn tháo gỡ những khó khăn bước đầu trong thực hiện. Mục tiêu là hỗ trợ thêm cho canh tác hữu cơ ở Thuận Nghĩa gắn với du lịch cộng đồng. Trên cơ sở thành công của mô hình sẽ xây dựng quy định về quản lý chương trình của tỉnh và nhân rộng ở các địa phương trên địa bàn tỉnh, nhằm thực hiện mục tiêu lớn là giảm thiểu ô nhiễm môi trường, tiết kiệm tài nguyên, giảm chôn lấp rác.
Minh Ngọc
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn