Ngày hội Văn hóa - Thể thao xã Vĩnh An mở rộng năm nay được tổ chức vào ngày 21/7/2023 tại xã Vĩnh An, huyện Tây Sơn. Đây là dịp để đồng bào Banna (đến từ 7 làng của 3 xã Tây Xuân, Bình Tân và xã Vĩnh An) được giao lưu với các hoạt động văn hóa, thể thao như bắn nỏ (Nam - Nữ), đẩy gậy (Nam - Nữ), kéo co, thi giã gạo, bịt mắt nấu cơm lam, ẩm thực.
Ở phần thi thể thao, với các môn thể thao rèn luyện thể lực, gắn liền với truyền thống sinh hoạt của người đồng bào miền núi; được sự cổ vũ nhiệt tình của cổ động viên, nhiều vận động viên đã bình tĩnh hoàn thành tốt nội dung thi các môn thể thao. Là vận động viên bắn nỏ, từng đại diện cho huyện tham gia ngày hội văn hóa do tỉnh tổ chức Chị Đinh Thị Niên ở làng Giọt 1, xã Vĩnh An tỏ ra vượt trội về thành tích ở nội dung môn bắn nỏ, chị phấn khởi chia sẻ: "Trước khi tham gia thi đấu, tôi cũng được các thầy đi trước tập luyện trong một thời gian, cái khó nhất của bắn nỏ phải giữ được tâm lý ổn đinh và nhớ đường ngắm. Tôi tham gia nhiều kỳ thi bắn nỏ rồi nên cũng khá tự tin ở phần thi này và hài lòng với số điểm đạt được".
Các vận động viên tranh tài ở bộ môn bắn nỏ và đẩy gậy tại ngày hội
Hội thi văn hóa dân gian cuốn hút không kém với sự theo dõi hào hứng của bà con nhân dân các làng. Đây cũng là dịp để bà con đồng bà Ba Na trên địa bàn huyện có cơ hội giao lưu, học hỏi trao đổi về văn hóa với nhau. Giã gạo, bịt mắt nấu cơm lam là những nội dung thi thể hiện sự độc đáo về truyền thống và bản sắc của đồng bào Ba Na. Các đội thi đều có sự đầu tư, tuyển chọn những vận động viên có sức khỏe, có kinh nghiệm, đủ sự khéo léo để thể hiện nội dung thi tốt nhất.
Phụ nữ Bana thể hiện sự dẻo dai, nhanh nhạy, khéo léo trong các công đoạn của nội dung thi giã gạo
Anh Đinh Văn Thành ở làng Kon Giọt 2, xã Vĩnh An: “Khó khăn trong bịt mắt nấu cơm lam là làm sao canh lửa, trở ống cơm cho chín đều. Phải chọn ống tre có diện tích, độ dày thích hợp. Chất lượng gạo ngon. Để có gạo ngon các chị em phải giã đều tay, gạo không nát, sảy sạch trấu”.
Ông Đinh Văn Cao - Trưởng đoàn làng M6, xã Bình Tân: “Được tham gia ngày hội Văn hóa -Thể thao do huyện tổ chức hàng năm là vinh dự lớn của các làng đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn huyện. Đây là cơ hội để các làng tham gia cổ vũ và kết nối với các làng khác, có cơ hội giao lưu, học hỏi đồng thời duy trì tình đoàn kết giữa các dân tộc và tạo động lực động viên thế hệ trẻ duy trì truyền thống của địa phương. Chúng tôi luôn giữ những nét văn hóa truyền thống của đồng bào mình, tích cực tập luyện mong muốn mang đến ngày hội những tiết mục đặc sắc nhất và mang vinh dự về làng bằng những giải thưởng cao nhất”.
Ông Nguyễn Khắc Duy - Phó Giám đốc Trung tâm Văn hóa - Thông tin - Thể thao huyện Tây Sơn: “Năm nay, Ban tổ chức bổ sung thêm nội dung thi ẩm thực vào chương trình đã tạo nên sự đa dạng bản sắc văn hóa ẩm thực truyền thống của đồng bào Banna. Ở các môn thể thao, các đội thi đều có sự đầu tư tập luyện, thay đổi vận động viên nhằm tìm ra những nhân tố mới để duy trì các môn truyền thống và phát triển các môn mũi nhọn của đồng bào BaNa. Đặc biệt, trong đêm giao lưu văn hóa cồng chiêng, các đội đã mang lại cho khán giả các tiết mục diễn tấu cồng chiêng với sự đầu tư về chất lượng và thể hiện được sự kế thừa qua các thế hệ, kết hợp văn hóa hiện đại nhưng vẫn giữ được nét truyền thống của đồng bào BaNa”.
Ngày hội Văn hóa -Thể thao xã Vĩnh An mở rộng là ngày hội truyền thống được huyện Tây Sơn tổ chức định kỳ hàng năm. Ngày hội đã góp phần nâng cao nhận thức, trách nhiệm của các cấp, các ngành và đồng bào các dân tộc trong việc bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa truyền thống tốt đẹp, từng bước cải thiện và nâng cao đời sống văn hóa tinh thần của đồng bào các dân tộc thiểu số trên địa bàn huyện.
Trong đêm bế mạc, Ban tổ chức đã trao 58 giải thưởng cho các cá nhân và tập thể có thành tích cao ở các nội dung thi. Giải nhất toàn đoàn thuộc về làng M6, xã Bình Tân, nhì làng Kon Giọt 1 xã Vĩnh An và giải 3 thuộc về làng Giọt 2 xã Vĩnh An./.
Nguyệt Ánh
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn