Tăng cường các biện pháp cấp bách phòng cháy, chữa cháy rừng trên địa bàn huyện

Thứ sáu - 27/03/2020 14:44
Ngày 26/3/2020, UBND huyện ban hành Văn bản số 177/UBND-KTN về việc tăng cường các biện pháp cấp bách phòng cháy, chữa cháy rừng trên địa bàn huyện
Ảnh minh họa
Ảnh minh họa
Thực hiện Văn bản số 1519/UBND-KT ngày 13/3/2020 của Ủy ban nhân dân tỉnh Bình Định về việc tăng cường các biện pháp cấp bách phòng cháy, chữa cháy rừng trên địa bàn tỉnh; theo dự báo của Trung tâm Khí tượng Thủy văn, trong thời gian đến, thời tiết trên địa bàn huyện sẽ diễn biến phức tạp, bất thường, ảnh hưởng lớn đến công tác bảo vệ rừng và phòng cháy, chữa cháy rừng, nguy cơ xảy ra cháy rừng là rất cao, gây thiệt hại lớn về kinh tế, môi trường và đời sống người dân. Để chủ động trong công tác phòng cháy, chữa cháy rừng, giảm thiểu tối đa cháy rừng và thiệt hại do cháy rừng gây ra. Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện yêu cầu Thủ trưởng các cơ quan, đơn vị, ban, ngành, Chủ tịch UBND các xã, thị trấn khẩn trương triển khai thực hiện một số nội dung như sau:
1. Chủ tịch UBND các xã, thị trấn: Chỉ đạo, tổ chức thực hiện quyết liệt các biện pháp phòng cháy và chữa cháy rừng đúng theo chỉ đạo của UBND tỉnh tại văn bản số 1519/UBND-KT ngày 13/3/2020 về việc tăng cường các biện pháp cấp bách phòng cháy, chữa cháy rừng trên địa bàn tỉnh. Tăng cường công tác chỉ đạo thực hiện, coi đây là nhiệm vụ trọng tâm của địa phương; ban hành văn bản chỉ đạo triển khai ngay các biện pháp, giải pháp phù hợp với điều kiện cụ thể của địa phương để thực hiện tốt công tác phòng cháy, chữa cháy rừng; đầu tư kinh phí để mua sắm các trang thiết bị, công cụ, dụng cụ phòng cháy chữa cháy rừng.  Tăng cường tuyên truyền, giáo dục, nâng cao ý thức, trách nhiệm của nhân dân trong công tác phòng cháy, chữa cháy rừng; tiếp tục phổ biến sâu rộng tác hại của cháy rừng, các quy định, quy trình đốt xử lý thực bì đến thôn và các khu sản xuất gần rừng để người dân biết, thực hiện. Tổ chức lực lượng tuần tra, kiểm tra, giám sát việc đốt xử lý thực bì của người dân; triển khai cho chủ rừng là hộ gia đình, cá nhân ký cam kết thực hiện đúng quy định về phòng cháy, chữa cháy rừng khi đốt xử lý thực bì; theo dõi, cập nhật kịp thời cấp dự báo cháy rừng để thông tin đến người dân. Chịu trách nhiệm trước Chủ tịch UBND huyện nếu để xảy ra cháy rừng tại địa bàn phụ trách.
2. Phòng Nông nghiệp và PTNT huyện: Chủ trì phối hợp với các ngành liên quan và UBND các xã, thị trấn tăng cường thực hiện công tác phòng cháy, chữa cháy rừng trong mùa hanh khô, tích cực tham mưu cho UBND huyện theo dõi, chỉ đạo về công tác phòng cháy, chữa cháy rừng trên địa bàn huyện.
3. Hạt Kiểm lâm huyện: Thường xuyên phối hợp với các ngành có liên quan, chủ rừng và UBND các xã, thị trấn kiểm tra lực lượng, phương tiện, vật tư, đảm bảo thực hiện tốt phương châm “bốn tại chỗ” trong công tác phòng cháy, chữa cháy rừng. Tăng cường công tác kiểm tra, hướng dẫn, kiểm soát việc sử dụng lửa trong rừng và gần rừng của người dân, nhất là việc đốt nương rẫy; yêu cầu người dân tuyệt đối nghiêm cấm việc xử lý thực bì bằng hình thức dùng lửa để đốt vào những ngày nắng nóng, khô hanh khi cấp dự báo cháy rừng từ cấp IV đến cấp V; cấm sử dụng lửa trong rừng và ven rừng; xử lý nghiêm các trường hợp không chấp hành nội dung trên. Sau khi dập tắt đám cháy, khẩn trương phối hợp với đơn vị có liên quan điều tra làm rõ nguyên nhân, đối tượng gây ra vụ cháy để xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật; Kiên quyết xử lý chủ rừng đốt xử lý thực bì không đúng quy định an toàn về phòng cháy, chữa cháy rừng hoặc chưa có phương án, kế hoạch phòng cháy, chữa cháy rừng. Thực hiện nghiêm quy chế phối hợp giữa các lực lượng (kiểm lâm, công an, quân đội) trong công tác phòng cháy, chữa cháy rừng; sẵn sàng hỗ trợ chữa cháy khi xảy ra cháy rừng.
4. Công an, Ban chỉ huy quân sự huyện: Phối hợp với lực lượng Kiểm lâm tham gia, hỗ trợ chữa cháy khi xảy ra cháy rừng trên địa bàn huyện. Chỉ đạo các đơn vị trực thuộc tại các xã, thị trấn chuẩn bị các phương án, lực lượng, phương tiện tham gia phòng cháy, chữa cháy rừng, sẵn sàng ứng cứu tình huống khẩn cấp về cháy rừng khi có yêu cầu, Công an huyện chỉ đạo đội nghiệp vụ và công an xã phối hợp với Kiểm lâm và các đơn vị liên quan điều tra làm rõ đối tượng gây ra các vụ cháy rừng, xử lý nghiêm minh theo quy định của pháp luật.
5. Ban quản lý rừng phòng hộ huyện, Công ty TNHH Lâm nghiệp Sông Kôn: Rà soát, bổ sung phương án và xây dựng kế hoạch phòng cháy, chữa cháy rừng trên lâm phận quản lý; đầu tư các công trình, trang thiết bị, phương tiện, dụng cụ đáp ứng yêu cầu công tác phòng cháy, chữa cháy rừng hiện nay; xác định cụ thể các khu vực trọng điểm có nguy cơ xảy ra cháy cao để bố trí hợp lý nguồn lực, đảm bảo ngăn chặn và xử lý kịp thời các tình huống mới phát sinh; xây dựng kế hoạch thực hiện việc giảm vật liệu cháy rừng để phòng ngừa nguy cơ cháy rừng xảy ra. Tổ chức tăng cường lực lượng trực tại các vùng trọng điểm có nguy cơ xảy ra cháy rừng. Phân công lực lượng ứng trực 24/24 giờ trong suốt mùa khô, nhất là thời kỳ cao điểm về cháy rừng khi cấp dự báo cháy rừng từ cấp III đến cấp V; bố trí lực lượng tuần tra, canh gác ở những khu vực trọng điểm dễ xảy ra cháy rừng, kiểm soát chặt chẽ người ra vào những khu vực rừng có nguy cơ cháy cao; kịp thời phát hiện nhanh điểm cháy, tổ chức huy động lực lượng chữa cháy kịp thời không để xảy ra cháy lớn.
6. Trung tâm Văn hóa - Thông tin - Thể thao huyện: Thực hiện tốt công tác tuyên truyền về phòng cháy, chữa cháy rừng; kịp thời đưa thông tin về cảnh báo và dự báo cháy rừng hàng ngày trong thời kỳ cao điểm cấp dự báo cháy rừng từ cấp III đến cấp V.
Yêu cầu Thủ trưởng các cơ quan, đơn vị và Chủ tịch UBND các xã, thị trấn tổ chức thực hiện./.
Quang Dương

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

LỜI CHÀO MỪNG
Lời chào mừng
Liên kết Web
THỐNG KÊ
  • Đang truy cập21
  • Hôm nay1,252
  • Tháng hiện tại1,252
  • Tổng lượt truy cập6,111,758
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây