Mục đích cụ thể hóa Chương trình phát triển đô thị Tây Sơn, tỉnh Bình Định đến năm 2035 đã được UBND tỉnh phê duyệt tại Quyết định số 5127/QĐ-UBND ngày 22/12/2021. Xác định các nội dung công việc, danh mục các dự án ưu tiên và huy động các nguồn lực đầu tư xây dựng hệ thống hạ tầng của đô thị, nhất là hệ thống hạ tầng khung kết nối trên địa bàn để đạt chuẩn đô thị loại IV vào năm 2024 và sớm đạt các tiêu chí thành lập thị xã.
Yêu cầu các phòng, ban, ngành, địa phương, đơn vị liên quan theo chức năng nhiệm vụ được giao chủ động phối hợp, triển khai các nội dung giải pháp thực hiện cho từng năm; đề xuất các giải pháp để tập trung các nguồn lực đầu tư vào mục tiêu xây dựng đô thị theo Chương trình phát triển đô thị Tây Sơn, tỉnh Bình Định đến năm 2035 đã được duyệt.
Nội dung thực hiện
1. Chỉ tiêu: Đến trước năm 2025
- Về hệ thống đô thị: Tỷ lệ đô thị hóa đô thị Tây Sơn đạt 57,6%, hệ thống đô thị đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội và có cấp quản lý hành chính đô thị đáp ứng yêu cầu quản lý phát triển, bao gồm: 07 đơn vị hành chính đạt tiêu chuẩn phường (thị trấn Phú Phong, xã Bình Tường, xã Tây Phú, xã Tây Xuân, xã Bình Nghi, xã Bình Thành, xã Bình Hòa).
- Về chất lượng đô thị: Diện tích sàn nhà ở đô thị bình quân đạt 26,5m2 /người; tỷ lệ nhà kiên cố phấn đấu đạt 100%. Tỷ lệ đất giao thông so với diện tích đất xây dựng đô thị đạt 15 - 17%. Tỷ lệ dân cư đô thị được cấp nước sạch và nước hợp vệ sinh đạt 100% (trong đó cấp nước sạch 80%); tiêu chuẩn cấp nước tại đô thị loại IV đạt 100 - 120 lít/người/ngày đêm. Tỷ lệ bao phủ của hệ thống thoát nước đạt 70% diện tích lưu vực thoát nước trong các đô thị, mật độ đường cống thoát nước chính đạt 3km/km2 ; tỷ lệ nước thải sinh hoạt tập trung được thu gom và xử lý đạt 50%; 100% các cơ sở sản xuất mới áp dụng công nghệ sạch hoặc trang bị các thiết bị giảm ô nhiễm; các cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng được xử lý đạt 100%. Tỷ lệ chất thải rắn sinh hoạt thu gom và xử lý đạt 85% tổng lượng chất thải rắn sinh hoạt đô thị; 100% chất thải rắn công nghiệp và chất thải rắn y tế nguy hại được thu gom và xử lý đảm bảo tiêu chuẩn môi trường.
- Tỷ lệ chiều dài các tuyến đường chính và khu nhà ở, ngõ xóm được chiếu sáng tại đô thị: Đạt tỷ lệ 100% chiều dài các tuyến đường chính và đạt 90% chiều dài đường khu nhà ở, ngõ xóm.
- Đất cây xanh đô thị đạt 9m2 /người. Đất cây xanh công cộng khu vực nội thị đạt trên 4m2 /người.
- Huyện Tây Sơn đạt chuẩn đô thị loại IV; điểm tổng thể ở các chỉ tiêu (đối chiếu theo Nghị quyết 1210/2016/UBTVQH13 ngày 25/5/2016 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội) là 85 điểm.
2. Giải pháp thực hiện
2.1. Công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức về phát triển đô thị: Tăng cường công tác tuyên truyền về mục đích, ý nghĩa và tầm quan trọng của công tác xây dựng huyện Tây Sơn đạt chuẩn đô thị loại IV và sớm đạt các tiêu chí thành lập thị xã, nhất là tuyên truyền để Nhân dân nhận thức được vai trò chủ thể chính của mình trong quá trình thực hiện, từ đó nâng cao ý thức tự giác tham gia thực hiện xây dựng đô thị. Thực hiện có hiệu quả phong trào thi đua “Huyện Tây Sơn chung sức xây dựng nông thôn mới”; cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”, làm cơ sở để xây dựng huyện Tây Sơn đạt chuẩn đô thị loại IV; kịp thời tôn vinh các tập thể, cá nhân tiêu biểu có nhiều đóng góp trong xây dựng nông thôn mới, đô thị. Thường xuyên đưa tin, bài về xây dựng huyện Tây Sơn đạt chuẩn đô thị loại IV, đưa tin về những cách làm hay, mô hình điển hình tiên tiến trong xây dựng nông thôn mới, nông thôn mới nâng cao, đô thị tại các địa phương để tạo sức lan tỏa.
2.2. Về quy hoạch và phát triển không gian đô thị: Rà soát, điều chỉnh quy hoạch chung đô thị Tây Sơn đến năm 2035 theo chủ trương của tỉnh nhằm tạo cơ sở cho việc lập quy hoạch phân khu, quy hoạch chi tiết và đầu tư phát triển đô thị. Hoàn thiện và phê duyệt 09 đồ án quy hoạch phân khu tỷ lệ 1/2000 gồm: Khu đô thị Phú Hòa, Khu đô thị Phú An, Khu đô thị Bình Hòa, Khu đô thị Bình Thành, Khu đô thị Bình Tường, Khu đô thị Tây Bình, Khu đô thị Bắc Sông Kôn, Khu đô thị Hòa Lạc và điều chỉnh quy hoạch chung xã Tây Giang theo hướng đạt chuẩn đô thị loại V. Hoàn chỉnh các đồ án quy hoạch chi tiết 1/500 các khu dân cư ở các xã, thị trấn theo kế hoạch năm làm cơ sở cho việc đầu tư phát triển hạ tầng và không gian đô thị. Rà soát, điều chỉnh quy hoạch nông thôn mới ở 6 xã vùng ngoại thị gồm: Vĩnh An, Tây Thuận, Tây Vinh, Tây An, Bình Tân, Bình Thuận. Đồng thời, triển khai lập quy hoạch phân khu 1/2000 các khu trung tâm Vĩnh An, Tây Thuận, Tây Vinh, Tây An, Bình Tân, Bình Thuận. Lập quy hoạch khu trung tâm thể dục thể thao của đô thị và các quy hoạch phát triển công nghiệp, thương mại dịch vụ. Tăng cường công tác quản lý nhà nước về quy hoạch, xem trọng công tác giám sát, kiểm tra, thực hiện quy hoạch và xử lý nghiêm các vi phạm về quy hoạch. Tập trung phát triển 9 khu vực phát triển đã được xác định trong Chương trình phát triển đô thị đến năm 2035.
2.3. Thực hiện các tiêu chí của đô thị loại IV
2.3.1. Về vị trí, chức năng, vai trò, cơ cấu và trình độ phát triển kinh tế - xã hội của đô thị
- Vị trí, chức năng, vai trò của đô thị: Xây dựng đô thị theo hướng văn minh, hiện đại; tập trung phát triển công nghiệp, dịch vụ, du lịch từng bước trở thành động lực thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội về phía Tây tỉnh. Thực hiện các dự án đã định hướng trong quy hoạch chung đô thị Tây Sơn, các tiêu chuẩn chưa đạt để làm nền tảng đạt tiêu chuẩn đô thị loại IV. Lập các quy hoạch phân khu tại các khu vực dự kiến phát triển thành phường (9 phân khu), lập các quy hoạch chi tiết để đầu tư xây dựng theo quy hoạch. Tập trung đầu tư xây dựng hạ tầng đô thị và khu vực mở rộng của đô thị Tây Sơn đạt các tiêu chí đô thị loại IV theo quy định tại Nghị quyết 1211/2016/UBTVQH13 ngày 25/5/2016 của Ủy ban thường vụ Quốc hội.
- Về trình độ phát triển kinh tế - xã hội: Đẩy mạnh phát triển kinh tế, nhất là tập trung phát triển lĩnh vực công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp, thương mại - dịch vụ - du lịch. Huy động mọi nguồn lực đầu tư hệ thống kết cấu hạ tầng các khu, cụm công nghiệp theo quy hoạch; đề xuất và thực hiện các cơ chế ưu đãi, thu hút đầu tư trong lĩnh vực công nghiệp, đặc biệt ưu tiên các ngành sử dụng nhiều lao động địa phương. Huy động mọi nguồn lực đầu tư khuyến khích các tổ chức, cá nhân trong nước và nước ngoài có điều kiện tham gia mở rộng các hoạt động thương mại, dịch vụ, du lịch. Phát triển các dịch vụ tài chính, ngân hàng, bảo hiểm, viễn thông và công nghệ thông tin, các dịch vụ bảo vệ xử lý môi trường, dịch vụ giao thông công cộng,…Xây dựng đề án phát triển du lịch nhằm khai thác tối đa thế mạnh địa phương, đặc biệt trong việc hình thành chuỗi liên kết theo hướng kinh tế du lịch. Khai thác nguồn thu từ quỹ đất để đầu tư xây dựng hệ thống hạ tầng.
2.3.2. Về quy mô dân số, mật độ dân số, lao động phi nông nghiệp
- Đầu tư xây dựng các khu đô thị mới, các khu tái định cư, xây dựng chỉnh trang đô thị, mở rộng không gian đô thị, trong đó tập trung phát triển đô thị tại các khu vực nội thị nhằm tăng dân số và nâng cao mật độ dân số của đô thị.
- Tập trung ưu tiên phát triển các khu, cụm công nghiệp; xây dựng và phát triển hệ thống thương mại, dịch vụ, du lịch. Chuyển dịch cơ cấu kinh tế, tập trung phát triển công nghiệp - TTCN, thương mại - dịch vụ - du lịch nhằm tạo việc làm tại chỗ cho người dân, thu hút lao động ngoài địa phương, nhất là lao động có chất lượng cao. Xây dựng và triển khai các chương trình đào tạo nghề phi nông nghiệp cho lao động nông thôn. Phấn đấu đến năm 2024, tỷ lệ lao động phi nông nghiệp của đô thị đạt trên 55%, khu vực nội thị đạt trên 70%.
2.3.3. Về phát triển kết cấu hạ tầng và kiến trúc, cảnh quan đô thị
- Về hạ tầng xã hội: Kêu gọi hoặc đầu tư xây dựng các khu đô thị, khu nhà ở mới theo Quy hoạch chung đô thị Tây Sơn đến năm 2035, chú trọng phát triển các khu đô thị nhà ở liên kế với kiến trúc hiện đại. Quy hoạch và thực hiện các dự án chỉnh trang các khu ở hiện hữu; quy định các yêu cầu đảm bảo về khoảng lùi, tầng cao, mật độ xây dựng theo quy chế quản lý kiến trúc đô thị. Huy động các nguồn lực hỗ trợ cho hộ nghèo, hộ có hoàn cảnh khó khăn thực hiện xóa nhà tạm, xây dựng nhà ở đảm bảo khang trang, phấn đấu đến năm 2024 có 100% nhà ở dân cư là nhà kiên cố và bán kiên cố. Đầu tư xây dựng các công trình công cộng đảm bảo đủ số lượng công trình, đạt chuẩn đô thị loại IV. Cải tạo, nâng cấp, kiên cố hóa các cơ sở giáo dục hiện hữu. Nâng cấp và mở rộng các trạm y tế, Trung tâm y tế huyện, nâng quy mô số giường bệnh/1000 dân đạt từ 2,4 giường trở lên, nâng cao chất lượng đội ngũ y bác sĩ, chất lượng khám chữa bệnh và chăm sóc sức khỏe cho Nhân dân. Đầu tư xây dựng hệ thống các công trình văn hóa, thể thao tập trung của đô thị; Cải tạo và nâng cấp trang thiết bị cho các công trình thể dục thể thao hiện có (Trung tâm văn hóa thông tin thể thao huyện; nhà thi đấu huyện; nhà văn hóa ở các xã, thị trấn,...). Đầu tư mới khu liên hợp thể dục thể thao huyện 5 tại khu vực phía Nam thị trấn Phú Phong, hệ thống các công viên theo quy hoạch. Nâng cấp chợ Phú Phong; xây dựng chợ đầu mối của đô thị; thu hút đầu tư xây dựng Trung tâm thương mại - dịch vụ cấp đô thị tạo nên công trình điểm nhấn tại các khu dân cư, đô thị mới ở thị trấn Phú Phong và các xã, dự kiến thành phường. Kêu gọi các thành phần kinh tế đầu tư vào hệ thống các công trình dịch vụ, khách sạn phục vụ khách du lịch.
- Về hạ tầng kỹ thuật: Đẩy mạnh đầu tư xây dựng hệ thống đường giao thông khung đô thị, bao gồm các trục giao thông Đông Tây và các trục giao thông Bắc - Nam kết nối 2 bờ sông Kôn như: Nâng cấp, mở rộng tuyến Quốc lộ 19B; mở rộng đường vào Khu du lịch Hầm Hô; nâng cấp, mở rộng đường ĐH27; cải tạo, nâng cấp, mở rộng đường ĐH25; xây dựng mới đường tránh phía Nam thị trấn Phú Phong; đường tránh QL19 phía Nam đô thị Phú Phong (từ CCN Tây Xuân lên đến chùa Thiên Tôn - Bình Tường); Đường Bình Thành - Bình Hòa - Tây Bình (từ đập dâng Văn phong đến đường quy hoạch Bình Nghi - Bình Hòa); đường kết nối KDL Hầm Hô - ĐH25- QL19 (Tây Giang) - đoạn 1 từ KDL Hầm hô đến ĐH25; đường nối từ đường Hùng Vương - Đập dâng Phú Phong - QL19B; đường Bình Nghi - Bình Hòa (nối từ đường tránh mới - QL19 - QL 19B, đoạn 1 (từ QL 19 đến đường tránh mới phía Nam thị trấn Phú Phong, đoạn 2 từ QL 19 nối QL19B; đường nối QL19 đến Đường tránh mới phía Nam (phía đông cụm CN Bình Nghi); đường nối QL 19 và đường ĐT636 (xã Bình Nghi),...Cải tạo, nâng cấp các trục đường giao thông chính hiện hữu đạt chuẩn đường đô thị loại IV, trong đó lòng đường tối thiểu ≥7,5m; đồng thời, xây dựng mới các tuyến đường chính đô thị theo quy hoạch; đầu tư hệ thống đường giao thông các khu dân cư đạt chuẩn đô thị loại IV (lòng đường ≥7,5m); phối hợp với các ngành của tỉnh đầu tư Đập dâng Phú Phong. Kêu gọi nhà đầu tư xây dựng dựng Bến xe khách Tây Sơn theo quy hoạch chung. Tập trung phát triển giao thông công cộng nội thị và đối ngoại. Đầu tư xây dựng hạ tầng phục vụ hoạt động vận tải công cộng, dịch vụ du lịch như bãi đậu xe, trạm chờ xe buýt,… đảm bảo tiêu chuẩn kỹ thuật, tiện nghi an toàn, thuận tiện, vệ sinh, văn minh, hiện đại. Đầu tư xây dựng mở rộng mạng lưới cấp nước: Nâng cấp Nhà máy nước Phú Phong, công suất 5.000 m3 /ngđ; mở rộng phạm vi cung cấp nước từ các nhà máy: Nhà máy cấp nước Tây Giang - Tây Thuận; nhà máy cấp nước Vĩnh An - Bình Tường, nhà máy cấp nước Bình Nghi; kêu gọi đầu tư Nhà máy cấp nước phía Bắc sông Kôn, công suất 5.000m3 /ngđ. Đầu tư xây dựng, mở rộng mạng lưới đường ống đảm bảo cung cấp nước cho đô thị, đảm bảo tỷ lệ dân số được cấp nước sạch và nước hợp vệ sinh đạt 100%. Tăng cường quản lý, chống thất thoát nước trong quá trình cung cấp, duy trì, bảo dưỡng hệ thống cấp nước, thay thế những tuyến ống cũ đảm bảo tỷ lệ thất thoát dưới 10%. Tranh thủ các nguồn vốn để đầu tư xây dựng hoàn thiện hệ thống chiếu sáng các tuyến: Quốc lộ 19, Quốc lộ 19B, tỉnh lộ. Đầu tư ngân sách địa phương và kêu gọi các nguồn xã hội hóa để xây dựng hoàn thiện mạng lưới chiếu sáng đô thị gồm cả đường phố chính và ngõ hẻm. Phối hợp, tạo điều kiện cho các nhà mạng mở rộng phạm vi cung cấp dịch vụ tăng thêm số thuê bao phục vụ dân số gia tăng, đảm bảo đến năm 2024 số thuê bao internet (băng rộng cố định và di động) đạt từ 20 thuê bao/1000 dân trở lên và tỷ lệ phủ sóng thông tin di động đạt trên 95% dân số. Khuyến khích các đơn vị viễn thông phát triển thêm thuê bao điện thoại di động. Xây dựng các tuyến cống thoát nước trên tất cả các trục đường chính, cải tạo các đoạn cống nhỏ không đủ năng lực thoát nước gây ngập úng, từng bước đảm bảo thoát nước cho khu vực đô thị. Tăng cường thu gom chất thải rắn sinh hoạt đưa về bãi chôn lấp chất thải rắn của huyện để xử lý; khu vực đô thị thu gom hàng ngày đến điểm thu gom; vận chuyển cơ giới đến khu phân loại và xử lý tập trung. Khuyến khích phân loại chất thải hữu cơ, vô cơ ngay tại nguồn. Đầu tư xây dựng mở rộng bãi chôn lấp chất thải rắn huyện (GĐ2). Xây dựng bãi chôn lấp chất thải rắn Bắc huyện; đầu tư hoặc kêu gọi đầu tư xây dựng Nhà máy xử lý nước thải thị trấn Phú Phong. Xây dựng 01 nhà tang lễ Phú Phong (trong khuôn viên trung tâm Y tế khu vực thị trấn Phú Phong); Xây dựng khu nghĩa trang nhân dân phía Bắc huyện, nghĩa trang nhân dân xã Vĩnh An. Trồng cây xanh cảnh quan ven sông Kôn, sông Kút, các công viên cây xanh công cộng, cây xanh trên các tuyến đường, lát gạch vỉa hè, chỉnh trang đô thị. Chăm sóc và bảo tồn các cây trồng hiện có, đặc biệt cây xanh tại các công viên đô thị nhằm đảm bảo đạt tỷ lệ cây xanh theo tiêu chuẩn của đô thị loại IV.
- Về kiến trúc cảnh quan đô thị: Xây dựng quy chế quản lý kiến trúc đô thị. Tăng cường quản lý đô thị và cấp phép xây dựng theo quy chế theo quy chế được duyệt. Lập các quy hoạch chi tiết làm cơ sở kêu gọi đầu tư các khu đô thị mới, các khu thương mại dịch vụ... Khuyến khích nhà đầu tư triển khai lập các dự án nhà ở mới trong phạm vi đô thị. Đầu tư hoặc kêu gọi đầu tư xây dựng hoàn chỉnh ít nhất 1 khu đô thị kiểu mẫu. Xây dựng thêm các không gian công cộng của đô thị. Tiếp tục xây dựng các tuyến phố văn minh đô thị đảm bảo tỷ lệ theo quy định của đô thị loại IV. Chỉnh trang các khu dân cư trong khu vực nội thị đảm bảo khang trang, xanh, sạch, đẹp.
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn