Theo đề nghị của Sở Nông nghiệp và PTNT Bình Định tại Văn bản số 106/SNN-KL ngày 11/01/2024 về việc tăng cường công tác bảo vệ, phát triển rừng và PCCCR dịp trước, trong và sau Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024.
Để tăng cường công tác quản lý, bảo vệ, phát triển rừng và PCCCR dịp trước, trong và sau Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024 và kịp thời ngăn chặn các đối tượng “lâm tặc” lợi dụng dịp trước, trong và sau Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024 để phá rừng, khai thác gỗ, đào cây cảnh, săn bắt động vật hoang dã, mua, bán, vận chuyển lâm sản trái pháp luật trên địa bàn huyện, Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện đề nghị thủ trưởng các cơ quan, đơn vị có liên quan và Chủ tịch UBND các xã, thị trấn phối hợp thực hiện một số nội dung sau:
1. Tiếp tục quán triệt, tổ chức thực hiện nghiêm túc Chỉ thị số 13-CT/TW ngày 12/01/2017 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng; Nghị quyết số 71/NQ-CP ngày 08/8/ 2017 của Chính phủ về ban hành Chương trình hành động thực hiện Chỉ thị số 13-CT/TW; Chỉ thị số 05/CT-TTg ngày 18/5/2022 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường công tác quản lý bảo vệ rừng, xử lý tình trạng phá rừng, lấn chiếm đất rừng trái pháp luật; Chỉ thị số 22/CT-UBND ngày 19/12/2017 của Ủy ban nhân dân tỉnh về việc tăng cường các biện pháp cấp bách bảo vệ rừng trên địa bàn tỉnh; Quyết định số 4410/QĐ-UBND ngày 28/11/2023 của Ủy ban nhân dân tỉnh về việc ban hành Kế hoạch triển khai thực hiện Kết luận số 61-KL/TW ngày 17/8/2023 của Ban Bí thư Trung ương Đảng.
2. Đề nghị các hội, đoàn thể phối hợp với UBND các xã, thị trấn và các chủ rừng tăng cường công tác tuyên truyền, giáo dục để nâng cao nhận thức của mọi tầng lớp Nhân dân về vai trò, tác dụng, giá trị của rừng; không sử dụng, trưng bày sản phẩm khai thác trái pháp luật từ rừng tự nhiên; ngăn chặn các hoạt động “bẻ cành, hái lộc” đầu xuân, hành vi chặt cành, đào cây trong rừng phòng hộ, rừng tự nhiên, nhất là để chơi dịp Tết Nguyên đán; vận động các ngành, các hội viên và Nhân dân tích cực tham gia trồng cây, trồng rừng, góp phần thực hiện có hiệu quả Kế hoạch thực hiện Chương trình “Trồng 1 tỷ cây xanh” của Chính phủ trên địa bàn quản lý.
3. Hạt Kiểm lâm huyện
- Chỉ đạo kiểm lâm địa bàn phối hợp với chính quyền địa phương thành lập Tổ bảo vệ rừng, tổ chức trực luân phiên các khu vực rừng tiếp giáp với nghĩa địa hoặc có nhiều mồ mả nằm xen kẽ trong rừng, các khu rừng phòng hộ có điểm du lịch thường diễn ra hoạt động vui chơi trong dịp Tết để tuyên truyền, nhắc nhở, hướng dẫn người dân đảm bảo an toàn trong việc đốt nhang, đốt vàng mã để tránh cháy lan vào rừng; nghiêm cấm việc sử dụng lửa trong các hoạt động du lịch trong rừng và ven rừng.
- Hướng dẫn UBND các xã và các chủ rừng trên địa bàn huyện xây dựng kế hoạch bảo vệ rừng và phòng cháy, chữa cháy rừng trước, trong và sau Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024. Tập trung tuần tra, truy quét tại các địa bàn trọng điểm về phá rừng, khai thác gỗ, các tuyến đường thường diễn ra hoạt động vận chuyển lâm sản; tăng cường huy động các lực lượng phối hợp kiểm tra, triệt phá các tụ điểm mua, bán, tàng trữ lâm sản và động vật rừng trái pháp luật, không để xảy ra các vụ việc phức tạp. Tăng cường các biện pháp phòng ngừa, ngăn chặn kịp thời và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm các quy định của pháp luật về Lâm nghiệp; đảm bảo an toàn trong dịp Tết Nguyên đán, kiên quyết xử lý những cá nhân, tổ chức thiếu trách nhiệm, tiêu cực, bao che, tiếp tay cho các đối tượng vi phạm.
- Phân công, bố trí lực lượng trực, ứng trực trong dịp trước, trong và sau Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024 để kịp thời xử lý, giải quyết hiệu quả công việc, tình huống phát sinh; có kế hoạch bảo đảm lực lượng, vật tư, trang thiết bị và hậu cần tại chỗ để sẵn sàng phối hợp ứng phó trong trường hợp xảy ra cháy rừng, phá rừng, chống người thi hành công vụ.
- Làm đầu mối (Kiểm lâm, chủ rừng, chính quyền địa phương và các ngành liên quan), tổng hợp lịch trực bảo vệ rừng trong thời gian nghỉ Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024 trên địa bàn quản lý, gửi về Sở Nông nghiệp và PTNT (thông qua Chi cục Kiểm lâm) trước ngày 01/02/2024 (theo mẫu biểu đính kèm).
4. UBND các xã, thị trấn: Đẩy mạnh thông tin tuyên truyền về công tác quản lý, bảo vệ rừng và các biện pháp phòng cháy, chữa cháy rừng để Nhân dân địa phương nắm bắt thực hiện xây dựng kế hoạch bảo vệ rừng và phòng cháy, chữa cháy rừng trước, trong và sau Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024. Thành lập Tổ bảo vệ rừng, tổ chức trực luân phiên, phối hợp với Hạt Kiểm lâm tuần tra, truy quét, không để các đối tượng lợi dụng thời gian nghỉ Tết Nguyên đán phá rừng trái phép. Tổ chức Tết trồng cây tại địa phương để hưởng ứng Kế hoạch thực hiện Chương trình “Trồng 1 tỷ cây xanh” của Chính phủ.
5. Các chủ rừng: Đối với chủ rừng là các hộ gia đình, cá nhân tăng cường công tác quản lý chăm sóc và thực hiện nghiêm các biện pháp phòng cháy, chữa cháy rừng theo hướng dẫn của ngành chức năng. Chủ rừng là các tổ chức, doanh nghiệp, cộng đồng dân cư chủ động xây dựng và triển khai thực hiện kế hoạch bảo vệ rừng và phòng cháy, chữa cháy rừng trước, trong và sau Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024. Thực hiện vai trò của chủ rừng trong công tác quản lý bảo vệ rừng, phối hợp với Hạt Kiểm lâm, UBND xã, thị trấn nơi có rừng trong công tác tuần tra, báo cáo về Hạt Kiểm lâm kịp thời nếu có tình huống xảy ra ngoài khả năng xử lý của đơn vị.
6. Trung tâm Văn hóa - Thông tin - Thể thao huyện: Tăng cường thời lượng đưa tin về công tác tổ chức bảo vệ rừng và phòng cháy, chữa cháy rừng nhất là trong dịp trước, trong và sau Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024.
7. Phòng Nông nghiệp và PTNT huyện: Theo dõi việc thực hiện trực bảo vệ rừng và phòng cháy, chữa cháy rừng của các đơn vị, phối hợp tham mưu đề xuất UBND huyện chỉ đạo trong quá trình tổ chức thực hiện; tổng hợp kết quả triển khai thực hiện Tết trồng cây tại các địa phương trước, trong và sau Tết Nguyên đán năm 2024.
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn