Triển khai các giải pháp quản lý động vật hoang dã trên địa bàn huyện

Thứ tư - 16/09/2020 16:53
Ngày 15/9/2020, UBND huyện ban hành Văn bản số 754/UBND-KTN về việc triển khai các giải pháp quản lý động vật hoang dã trên địa bàn huyện
Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Thực hiện công văn số 5740/UBND-KT ngày 25/8/2020 của Ủy ban nhân dân tỉnh Bình Định về việc triển khai các giải pháp quản lý động vật hoang dã trên địa bàn tỉnh, nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý Nhà nước và tăng cường các biện pháp phối hợp đồng bộ giữa các sở, ngành, địa phương trong việc quản lý động vật hoang dã trên địa bàn huyện và triển khai thực hiện Chỉ thị số 29/CT-TTg ngày 23/7/2020 của Thủ tướng Chính phủ về một số giải pháp cấp bách quản lý động vật hoang dã. Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện yêu cầu Chủ tịch Ủy ban nhân dân các xã, thị trấn, Thủ trưởng các phòng, ban, hội, đoàn thể và các đơn vị liên quan phối hợp thực hiện những giải pháp cụ thể như sau:
1. Chủ tịch Ủy ban nhân dân các xã, thị trấn, Thủ trưởng các phòng, ban hội, đoàn thể tổ chức quán triệt cán bộ, công chức, viên chức, người lao động, hội viên, đoàn viên và nhân dân tại đơn vị, địa phương mình nghiêm túc chấp hành các quy định của pháp luật về quản lý và bảo vệ động vật hang dã; đặc biệt không mua, bán, sử dụng, tặng hay nhận quà biếu là các sản phẩm, dẫn xuất có nguồn gốc từ động vật hoang dã nguy cấp, quý, hiếm.
2. Ủy ban nhân dân các xã, thị trấn chủ động tổ chức tuyên truyền, kiểm tra, kiểm soát và xử lý các trường hợp về săn, bắt, vận chuyển, nuôi nhốt, giết mổ, chế biến, kinh doanh trái phép động vật hoang dã và các sản phẩm, dẫn xuất có nguồn gốc từ động vật hoang dã trên địa bàn quản lý theo quy định của pháp luật.
3. Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện: Chủ trì, phối hợp với Phòng Tư pháp, Trung tâm Văn hoá-TT-TT, Phòng Tài nguyên và Môi trường, các tổ chức hội, đoàn thể của huyện, các đơn vị liên quan và Ủy ban nhân dân các xã, thị trấn xây dựng kế hoạch tuyên truyền các quy định của pháp luật về quản lý động vật hoang dã tới các cộng đồng dân cư. Phổ biến, tuyên truyền cho mọi công dân, đặc biệt cán bộ, công chức, viên chức và người thân không tham gia săn, bẫy, bắt, mua, bán, vận chuyển, nuôi, giết mổ, kinh doanh, tàng trữ, xuất khẩu, nhập khẩu, tái xuất khẩu các loài động vật hoang dã và các sản phẩm, dẫn xuất có nguồn gốc từ động vật hoang dã trái pháp luật và kịp thời thông báo các hành vi vi phạm tới cơ quan chức năng hoặc chính quyền địa phương. Theo dõi kiểm tra, giám sát việc khai thác, vận chuyển các loài động vật thủy sinh.
4. Hạt Kiểm lâm: Hướng dẫn các tổ chức, cá nhân có liên quan thực hiện việc đăng ký gây nuôi các loài động vật hoang dã nguy cấp, quý, hiếm đúng quy định của pháp luật; đồng thời tăng cường quản lý, giám sát chặt chẽ hoạt động gây nuôi động vật hoang dã trên địa bàn huyện đúng quy định của pháp luật. Tăng cường kiểm tra, phát hiện và xử lý nghiêm đối với những tổ chức, cá nhân có hành vi vi phạm quy định của pháp luật về săn, bẫy, bắt, mua, bán, vận chuyển, nuôi, giết mổ, kinh doanh, tàng trữ, xuất khẩu, nhập khẩu, tái xuất khẩu các loài động vật hoang dã và các sản phẩm, dẫn xuất có nguồn gốc từ động vật hoang dã. Xây dựng kế hoạch phối hợp với cơ quan liên quan và Ủy ban nhân dân các xã, thị trấn tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát, ngăn chặn có hiệu quả hoạt động kinh doanh, gây nuôi, vận chuyển trái phép động vật hoang dã và các sản phẩm, dẫn xuất có nguồn gốc từ động vật hoang dã trên địa bàn huyện; tập trung phát hiện, xử lý dứt điểm các tụ điểm mua bán động vật hoang dã trái pháp luật, bao gồm cả mẫu và mẫu vật giả. Tổ chức kiểm tra, theo dõi, thu thập thông tin các loài thủy sinh vật ngoại lai để kịp thời đề xuất các biện pháp phòng ngừa và quản lý hiệu quả. Tổ chức triển khai cho các cơ sở kinh doanh trên địa bàn huyện ký cam kết không mua bán, sử dụng, tiêu thụ, trưng bày, quảng cáo mẫu vật động vật hoang dã không đảm bảo nguồn gốc hợp pháp và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm.
5. Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp: Phối hợp với Hạt kiểm lâm kiểm tra điều kiện vệ sinh cơ sở chăn nuôi động vật hoang dã nguy cấp, quý, hiếm. Tổ chức theo dõi, phát hiện, chuẩn đoán, xác định dịch bệnh động vật hoang dã và thông báo, hướng dẫn các biện pháp phòng ngừa, ngăn chặn dịch bệnh. Thực hiện công tác kiểm tra dịch bệnh, vệ sinh thú y tại các cơ sở gây nuôi theo quy định. Trong quá trình kiểm tra, kiểm soát, kiểm dịch động vật, nếu phát hiện tổ chức, cá nhân có vận chuyển động vật hoang dã và các sản phẩm, dẫn xuất có nguồn gốc từ động vật hoang dã (có giấy tờ hoặc không có giấy tờ hợp pháp) thì thông báo nhanh cho Hạt Kiểm lâm phối hợp kiểm tra thủ tục vận chuyển đúng theo quy định của pháp luật.
6. Phòng Tài nguyên và Môi trường: Chủ trì, phối hợp với Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, các đơn vị liên quan và Ủy ban nhân dân các xã, thị trấn chỉ đạo các đơn vị trực thuộc có liên quan xây dựng kế hoạch tuyên truyền các quy định của pháp luật về đa dạng sinh học, quản lý loài nguy cấp, quý, hiếm được ưu tiên bảo vệ theo quy định của pháp luật. Chủ trì, phối hợp kiểm tra, hướng dẫn thực hiện công tác bảo vệ môi trường tại các cơ sở gây nuôi động vật hoang dã trên địa bàn huyện.
7. Phòng Tư pháp: Phòng Tư pháp phối hợp với Phòng Nông nghệp và Phát triển nông thôn và các cơ quan liên quan xây dựng kế hoạch tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật trên lĩnh vực quản lý động vật hoang dã tới các cộng đồng dân cư. Thực hiện rà soát văn bản, tham mưu Ủy ban nhân dân huyện trình cấp có thẩm quyền hoặc ban hành theo thẩm quyền các văn bản quy phạm pháp luật để tăng cường hoạt động quản lý nhà nước về động vật hoang dã trên địa bàn huyện.
8. Công an huyện: Phối hợp với Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Hạt Kiểm lâm và các ngành chức năng điều tra, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm quy định về quản lý động vật hoang dã trên địa bàn huyện theo quy định của pháp luật. Đặc biệt, tập trung triệt phá các đường dây tội phạm trong việc mua, bán, tàng trữ, vận chuyển. Chỉ đạo lực lượng cảnh sát giao thông phối hợp chặt chẽ với lực lượng chức năng trong công tác kiểm tra, kiểm soát các trường hợp có dấu hiệu vận chuyển trái pháp luật các loài động vật hoang dã và các sản phẩm, dẫn xuất có nguồn gốc từ động vật hoang dã.
9. Đội Quản lý thị trường số 5: Chủ trì, phối hợp với cơ quan chức năng tăng cường kiểm tra, kiểm soát thị trường, ngăn chặn các hành vi kinh doanh, vận chuyển trái pháp luật các loài động vật hoang dã và các sản phẩm, dẫn xuất có nguồn gốc từ động vật hoang dã. Xử lý nghiêm các hành vi vi phạm quy định pháp luật về mua bán, sử dụng, tiêu thụ, trưng bày, quảng cáo mẫu vật động vật hoang dã không đảm bảo nguồn gốc hợp pháp.
10. Phòng Giáo dục và Đào tạo, Phòng Văn hóa - Thông tin, Trung tâm Văn hóa Thông tin - Thể thao: Trong phạm vi chức năng, nhiệm vụ được giao, chủ động phối hợp với các cơ quan liên quan tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến các quy định của pháp luật về quản lý động vật hoang dã và các giải pháp bảo vệ động vật hoang dã; phối hợp với các cơ quan liên quan trong việc phòng ngừa, ngăn chặn và xử lý các hành vi lợi dụng mạng viễn thông, internet,… nhằm mục đích quảng cáo, trưng bày, truyên truyền, mua, bán động vật hoang dã và các sản phẩm, dẫn xuất có nguồn gốc từ động vật hoang dã trái pháp luật. Tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến các quy định của pháp luật về quản lý động vật hoang dã và các giải pháp bảo vệ động vật hoang dã trên các phương tiện thông tin đại chúng của huyện; kịp thời đưa tin những tổ chức, cá nhân có thành tích xuất sắc, những tấm gương điển hình tốt về bảo tồn, kiểm soát buôn bán động vật hoang dã để nhân rộng; tích cực phát hiện và lên án mạnh mẽ những hành vi, việc làm trái quy định của pháp luật Việt Nam và Công ước CITES.
11. Phòng Tài chính - Kế hoạch: Chủ trì, phối hợp với các sở, ngành có liên quan tham mưu, đề xuất Ủy ban nhân dân huyện bố trí kinh phí kịp thời để triển khai thực hiện các giải pháp cấp bách quản lý động vật hoang dã trên địa bàn huyện.
Chủ tịch Uỷ ban nhân dân các xã thị trấn chịu trách nhiệm trước Chủ tịch Uỷ ban nhân dân huyện nếu để xảy ra tình trạng săn, bẫy, bắt, vận chuyển, nuôi, nhốt, giết mổ, chế biến, kinh doanh trái phép động vật hoang dã và các sản phẩm, dẫn xuất có nguồn gốc từ động vật hoang dã trên địa bàn mà không có biện pháp xử lý kiên quyết.
Giao Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn có trách nhiệm theo dõi, tổng hợp kết quả tổ chức thực hiện của các cơ quan, địa phương, đơn vị liên quan và báo cáo Uỷ ban nhân dân huyện để chỉ đạo.
Quang Dương

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

LỜI CHÀO MỪNG
Lời chào mừng
Liên kết Web
THỐNG KÊ
  • Đang truy cập21
  • Hôm nay5,103
  • Tháng hiện tại157,367
  • Tổng lượt truy cập6,065,038
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây