Kiểm soát bệnh viêm da nổi cục trâu bò nhờ chủ động tiêm vacxin sớm

Thứ tư - 30/06/2021 17:18
Đối với huyện Tây Sơn Bệnh viêm da nổi cục (VDNC) trên đàn trâu bò khởi phát từ ngày 21/5/2021 tại thôn Hòa Hiệp, xã Bình Tường. Đến nay, dịch bệnh đã lan truyền tất cả các xã, thị trấn với 2.625 con bò mắc bệnh, chiếm 6,4% tổng đàn.
Kiểm soát bệnh viêm da nổi cục trâu bò nhờ chủ động tiêm vacxin sớm

Khi nắm được thông tin bệnh VDNC xuất hiện ở các huyện lân cận Phù Mỹ, Phù Cát, huyện Tây Sơn đã chủ động sớm trong công tác phòng chống dịch bệnh bằng cách vận động, tuyên truyền người chăn nuôi tự túc mua vacxin để sớm phòng bệnh cho trâu bò. Nhờ đó mà tỷ lệ đàn bò mắc bệnh VDNC có thể kiểm soát được. Đến nay, huyện Tây Sơn đã tiêm vacxin VDNC cho trên 31.000 con trâu bò, đạt tỷ lệ 75% tổng đàn. Trong đó 94,4% là vacxin người chăn nuôi đã tự mua tiêm cho trâu bò trước khi có vacxin hỗ trợ của tỉnh.
Ông Huỳnh Văn Vinh - cán bộ thú y xã Tây Xuân: Nhờ sớm nắm bắt diễn biến tình hình dịch bệnh. UBND xã Tây Xuân đã chỉ đạo  tăng cường tuyên truyền tình hình dịch bệnh qua hệ thống loa đài, cán bộ thú y cơ sở tích cực vận động người dân chủ động mua vacxin để tiêm phòng. Nên tỷ lệ trâu bò mắc bệnh  VDNC ở xã Tây Xuân tương đối thấp và kiểm soát tốt. Xã Tây Xuân có khoảng 200 con bò mắc bệnh. Trong đó đã kiểm soát và điều trị khỏi bệnh 195 con. Hiện nay  xã Tây Xuân đã tiêm vacxin VDNC cho 1.225/1.580 con bò toàn xã. Trong đó người chăn nuôi đã chủ động bỏ tiền mua vacxin tiêm trước trên 800 con bò.
Đồng Sim là thôn có có số hộ nuôi bò lớn của xã Tây Xuân. Mỗi gia đình đều nuôi từ 2 đến 20 con bò trở lên. Ở một địa phương còn rất khó khăn về điều kiện phát triển kinh tế. Đàn bò là gia sản duy nhất nuôi sống gia đình. Hiểu được tầm quan trọng và giá trị của đàn bò nên cho dù có khó khăn và tiêu tốn một số tiền lớn để mua vacxin, các loại thuốc điều trị người dân cũng không ngần ngại đi trước một bước. Ông Huỳnh Ngọc Diêu ở xóm AB, thôn Đồng Sim, xã Tây Xuân chia sẻ: Người ta nói phòng bệnh hơn chữa bệnh. Nếu đàn bò tui không ngừa trước sẽ bị dịch rất nặng. Nhờ tiêm vacxin sớm mà trong tổng mười mấy con bò nhà tui chỉ có 2 con mắc bệnh nhẹ. Tiền thuốc và tiền công vacxin cho 10 con hết 450.000 đồng. Rồi tiền điều trị cho một con bò bị bệnh trên 1 triệu đồng/con. Chưa kể bổ sung thức ăn uống đồ mát, vitamin các loại,... Tốn kém bao nhiêu cũng gắng chớ chờ có vacxin hỗ trợ thì muộn mất. Ở vùng này đất đai khô cằn, nắng nóng thiếu nước không trồng trọt được gì. Mọi chi phí đều dựa vào mấy con bò. Giờ cũng mong nhà nước quan tâm hỗ trợ phần nào đó để những người đã tiêm vacxin trước như chúng tôi đỡ thiệt thòi.
Ông Lê Đình Quang - Phó Giám đốc Trung tâm Dịch vụ Nông nghiệp huyện: Xác định đây là loại bệnh có mức độ lây truyền nhanh. Trung tâm Dịch vụ Nông nghiệp huyện đã phối hợp với Phòng Nông nghiệp và PTNT huyện và các đơn vị liên quan tham mưu UBND huyện ban hành các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn cho các xã, thị trấn triển khai nhiều biện pháp phòng chống bệnh VDNC nhằm khống chế dịch bệnh trong diện hẹp nhất. Cụ thể đã hướng dẫn thú y các xã, thị trấn tuyên truyền cách phòng chống bệnh VDNC trên đàn trâu bò của huyện. Phát tài liệu dưới dạng tờ rơi về phác đồ điều trị đến bà con nhân dân. Đồng thời chỉ đạo thú y cơ sở bám sát địa bàn, rà soát tổng đàn trâu bò hiện có, tổ chức tiêm vacxin cho trâu bò. Trong đó chú ý biện pháp tiêu độc sát trùng. Trung tâm Dịch vụ Nông nghiệp huyện đã cung cấp trên 1.680 lít thuốc tiêu độc sát trùng cho cở sở khử khuẩn, tiêu diệt mầm bệnh. Đồng thời khuyến cáo bà con sử dụng một số hóa chất diệt côn trùng để diệt ruồi, muỗi, mòng,… những vật chủ tiếp xúc trực tiếp. Khuyến cáo người chăn nuôi báo cáo ngành chức năng xử lý khi vật nuôi chết, không tự ý vứt xác trâu bò chết ra kênh mương làm lây truyền nguồn bệnh và làm ô nhiễm môi trường.
Để khống chế tốt bệnh VDNC trong thời gian tới, huyện chỉ đạo cho các địa phương, cơ sở tiếp tục rà soát đàn trâu bò hiện có triển khai tiêm phòng đảm bảo 100% số trâu bò trong diện tiêm. Tăng cường tuyên truyền vận động người  người chăn nuôi  theo dõi đàn trâu, bò. Khi phát hiện triệu chứng bệnh báo ngay với thú cơ sở trực tiếp kiểm tra hướng dẫn điều trị để xử lý tốt các ca bệnh kéo dài và gây chết. Nhằm hạn chế thấp nhất thiệt hại cho  người chăn nuôi.
Nguyệt Ánh

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

LỜI CHÀO MỪNG
Lời chào mừng
Liên kết Web
THỐNG KÊ
  • Đang truy cập41
  • Máy chủ tìm kiếm1
  • Khách viếng thăm40
  • Hôm nay9,098
  • Tháng hiện tại150,757
  • Tổng lượt truy cập7,068,735
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây