Để thực hiện thành công ý tưởng xây dựng mô hình nuôi thỏ thương phẩm phù hợp với điều kiện chăn nuôi nông hộ, anh Dương Tấn Trung đã tích cực tham gia các lớp tập huấn, hướng dẫn khoa học kỹ thuật. Anh xác định nuôi thỏ phải áp dụng đúng theo tiêu chuẩn kỹ thuật trong suốt quá trình nuôi từ chọn lựa con giống, chăm sóc, nuôi dưỡng thỏ, anh xem đây chính là biện pháp ngăn ngừa dịch bệnh, tăng năng suất và thu nhập.
Từ nguồn vốn tự có của gia đình, năm 2016, anh Trung bắt đầu triển khai thực hiện mô hình nuôi thỏ an toàn sinh học trên diện tích 200m2 đất vườn nhà, anh đầu tư 70 triệu đồng xây dựng 4 dãy chuồng, 80 lồng sàn nuôi thỏ riêng biệt với các đối tượng nuôi khác, với 50 con thỏ bố mẹ, 50 con thỏ hậu bị và hơn 100 con thỏ thịt. Nguồn thỏ giống được anh Trung tìm mua bởi cơ sở có uy tín từ tỉnh Đăk Lăk và thị xã An Nhơn, đảm bảo an toàn dịch bệnh, chủ yếu là thỏ giống Pháp và thỏ giống New Zealand.
Với điều kiện chuồng nuôi đảm bảo ấm áp về mùa đông và thoáng mát về mùa hè, có hệ thống cung cấp nước uống tự động, máng ăn được vệ sinh sạch sẽ, thức ăn được cung cấp đầy đủ hàng ngày, định kỳ phun tiêu độc khử trùng chuồng trại và khu vực xung quanh chuồng 1-2 lần/tuần, chất thải được thu gom xử lý đúng nơi quy định, giảm thiểu mùi hôi, hạn chế ô nhiễm nên giúp đàn thỏ nhà anh Trung sinh trưởng và phát triển tốt. Thỏ thịt chất lượng cao, bán lúc nào cũng được giá.
Anh Dương Tấn Trung cho biết: Thỏ là loài động vật mắn đẻ, sinh sản nhanh. Từ lúc sinh ra đến khi 5 - 6 tháng tuổi là thỏ có thể sinh sản lần đầu, mỗi năm 1 con thỏ mẹ đẻ từ 6 - 7 lứa, với khoảng 35 con. Sau 3 tháng nuôi, mỗi con đạt trọng lượng trung bình từ 2,7 kg đến 3 kg. Thời gian xuất chuồng của thỏ nhanh, chỉ trong vòng 3 tháng rưỡi. Với giá bán thỏ thịt ở mức ổn định từ 80.000 đến 90.000 đồng/kg thỏ hơi và 110 ngàn đồng/kg thỏ giống, sau trừ chi phí, mỗi năm gia đình tôi thu lãi hơn 50 triệu đồng từ nuôi thỏ.
Theo anh Trung, nuôi thỏ vừa dễ lại vừa khó. Dễ là tận dụng được nguồn nguyên liệu có sẵn trong gia đình hoặc ngoài tự nhiên như rau, củ, quả và thức ăn gia súc hỗn hợp để làm thức ăn cho thỏ. Khó là khâu chăm sóc, phòng ngừa dịch bệnh, nhất là các bệnh bại huyết, ghẻ, cầu trùng, viêm ruột ở thỏ thường bị mắc phải.
Ông Nguyễn Kim Phụng, Chủ tịch Hội Nông dân xã Bình Nghi chia sẻ: Anh Dương Tấn Trung là một thanh niên nông thôn mạnh dạn dám nghĩ dám làm, luôn khắc phục trước những khó khăn và anh đã thành công với mô hình nuôi thỏ thương phẩm mang lại hiệu quả kinh tế cao. Để thúc đẩy và nhân rộng mô hình này, mới đây Hội Nông dân xã Bình Nghi đã phối hợp với Ngân hàng Chính sách xã hội huyện Tây Sơn giải ngân 50 triệu đồng nguồn vốn giải quyết việc làm để hỗ trợ cho anh Dương Tấn Trung có thêm vốn đầu tư nuôi thỏ.
Hiện nay, nghề nuôi thỏ phát triển rất khả quan và hiệu quả nhờ đầu ra thông thoáng do sản lượng thịt thỏ cung cấp cho thị trường chưa nhiều và thịt thỏ là món ăn mới, ngon miệng, có thể chế biến đa dạng, phù hợp với các quán ăn từ bình dân đến các nhà hàng sang trọng. Vì vậy, nuôi thỏ có thể xem như một nghề không những mang lại thu nhập ổn định cho người nuôi, mà còn góp phần phát triển chăn nuôi ở các địa phương và tạo ra nguồn thực phẩm sạch để cung ứng cho người tiêu dùng nên cần được triển khai nhân rộng.
Đào Minh Trung
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn