Tạo việc làm và thu nhập ổn định
Nhờ hiệu quả từ những tổ, nhóm sản xuất nhỏ, đến nay, nghề đan sản phẩm nhựa giả mây (chủ yếu là bàn, ghế) có mặt ở hầu hết các xã, thị trấn trên địa bàn huyện. Địa phương nào cũng có những người làm đầu mối phân phối nguyên vật liệu cho lao động gia công tại cơ sở hoặc nhận hàng về nhà làm.
Trước đây, do không có việc làm, bà Nguyễn Thị Trúc (ở thôn Phú Hưng, xã Bình Tân) học rồi theo nghề đan dây nhựa. Thấy thu nhập ổn định, bà mạnh dạn liên kết với nhiều công ty để trở thành đầu mối phân phối hàng gia công cho nhiều cơ sở trên địa bàn huyện. Bà Trúc cho biết: Trung bình mỗi tuần tôi nhập khoảng 3.000 khung ghế về phân phối cho thợ gia công. Những người làm thường xuyên có thu nhập bình quân khoảng 4 triệu đồng/tháng; nhiều người trẻ làm giỏi có thể kiếm 5 - 6 triệu đồng/tháng.
Nhờ có kinh nghiệm nhiều năm nhận gia công sản phẩm dây nhựa tại nhà, bà Nguyễn Thị Hạnh (ở thôn Phú Mỹ, xã Tây Phú) được Công ty TNHH Dịch vụ xuất nhập khẩu Đông Nam Á (Cụm công nghiệp Phú An, xã Tây Xuân) tuyển dụng, làm ở khâu sửa hàng bị lỗi. Công việc này tương đối nhẹ nhàng, thu nhập ổn định 4,5 - 6 triệu đồng/tháng tùy theo thời gian tăng ca, lại được làm gần nhà.
Còn bà Lê Thị Ngọc Hạnh (thôn 4, xã Bình Nghi) thì bày tỏ: Thời gian nông nhàn của phụ nữ ở đây khá nhiều. Từ khi biết nghề đan dây nhựa, chị em nhận hàng về tranh thủ làm thêm. Chịu khó một chút, ai cũng có thể làm được công việc này.
Nhiều thuận lợi để phát triển
Nhận thấy chiều hướng phát triển của nghề đan nhựa giả mây, vợ chồng anh Nguyễn Hải Viên (ở khối Phú Văn, thị trấn Phú Phong) đang lên kế hoạch mở rộng quy mô cơ sở. Với ưu thế mặt bằng rộng, đủ điều kiện và không gian chứa hàng, lại nằm ở trung tâm thị trấn, thuận tiện trong kết nối với các xã lân cận, anh Viên dự định ký kết hợp đồng lâu dài, làm cơ sở chính phân phối hàng gia công cho một công ty. Bằng hình thức này, cơ sở sẽ được doanh nghiệp bao tiêu sản phẩm, giúp lao động có việc làm và thu nhập ổn định. Đồng thời, cơ sở sẽ được kỹ thuật viên của công ty về hướng dẫn trực tiếp, giúp người gia công tiếp cận kỹ thuật nhanh hơn khi nhận các mẫu sản phẩm mới.
Nắm bắt được xu thế phát triển của ngành nghề, đồng thời để đáp ứng nguyện vọng học nghề của lao động nông thôn, năm 2020, Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên (GDNN - GDTX) huyện phối hợp với Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội huyện, Phòng Nông nghiệp và PTNT huyện và các hội đoàn thể, chính quyền địa phương mở các lớp dạy nghề đan nhựa giả mây. So với nhiều ngành nghề khác thì đây là một trong những nghề cho thấy hiệu quả giải quyết việc làm sau đào tạo rõ nhất. Trong thời gian đào tạo, học viên vừa học vừa có thu nhập từ sản phẩm gia công. Sau khi kết thúc lớp học, các học viên này sẽ là những đầu mối tiếp quản hợp đồng, trực tiếp nhận nguyên vật liệu từ công ty, phân phối đến lao động gia công, nhờ vậy mà nghề được nhân rộng, thu hút nhiều lao động.
Ngoài Công ty TNHH dịch vụ xuất nhập khẩu Đông Nam Á, hiện các cơ sở đầu mối ở huyện chủ yếu nhập hàng từ các công ty ở thị xã An Nhơn, huyện Tuy Phước và Khu công nghiệp Phú Tài (TP Quy Nhơn). Bên cạnh đó, 4 doanh nghiệp sản xuất mặt hàng đan nhựa giả mây đã được tỉnh chấp thuận đầu tư tại Cụm công nghiệp Gò Cầy (xã Bình Thành), sau khi đi vào hoạt động hứa hẹn sẽ giải quyết việc làm cho hàng nghìn lao động. Sự xuất hiện của ngày càng nhiều doanh nghiệp sản xuất ngành hàng này cũng tạo ra sự cạnh tranh, đưa giá gia công cao hơn. Nhiều người đầu tư mua cả bình hơi và súng bắn đinh để tiện gia công trọn gói sản phẩm, nâng cao thu nhập./.
Nguyệt Ánh
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn