Bờ ruộng bị thủy phá, ruộng bị sa bồi non nửa đám, ngay từ những ngày đầu tháng 12, vợ chồng bà Lương Thị Hạnh và ông Phạm Văn Giàu ở thôn Trường Định 2 đã phải ra đồng để dọn dẹp, sửa sang, đắp lại bờ ruộng và hốt số cát bồi lấp trên ruộng để chuẩn bị cho sản xuất vụ Đông Xuân. Có 3 sào đất trồng lúa ở cánh đồng Nam Mùa Cua ở thôn Trường Định 1, những ngày qua, ông Trần Châu phải nhờ thêm một ngươì cháu phụ để tháo nước từ ruộng ra, đắp lại bờ mương ruộng bị bứt, lở.
Ông Nguyễn Trọng Chinh - Giám đốc Hợp tác xã Nông nghiệp Bình Hòa: Mưa lớn kéo dài liên tục tháng 11, đặc biệt là đợt mưa cuối tháng, ngoài việc gây sạt lở đê Văn Chẩn, còn làm cho nhiều tuyến mương nội đồng trên địa bàn xã Bình Hòa bị vỡ đất, sạt lở như bờ mương đám Vỡ (đội 4, Thôn Vân Tường), mương Gò Cát (đội 2, Vân Tường), mương Cải Tạo (đội 1, thôn Trường Định 1), mương Bờ Suối (đội 5, Vĩnh Lộc). Bên cạnh đó, mưa lớn cũng đã khiến 1 tuyến đường nội đồng ở đội 1, thôn Vân Tường bị đứt với chiều dài 6 mét, sói lở sâu hơn 1,5 mét. Trước tình hình đó, Hợp tác xã đã khẩn trương nạo vét các mương tưới tiêu, vận động nhân dân cùng nhau xuống đồng khắc phục sa bồi thủy phá, diệt chuột để nhanh chóng bước vào vụ sản xuất quan trọng của năm. Hiện Hợp tác xã đã cấp phát trên 14,5 tấn lúa lai TH3-3, CT16, Nhị ưu 838 theo đăng ký để bà con nông dân chủ động sản xuất.
Ông Nguyễn Hữu Sang - Chủ tịch UBND xã Bình Hòa: Để nâng cao chất lượng lúa gạo, khuyến khích bà con sản xuất các giống lúa lai năng suất cao, xã đã trích nguồn kinh phí theo Nghị định 62 của Chính phủ khoảng 210 triệu đồng, hỗ trợ một phần giá giống lúa lai cho người dân sản xuất và thu mua đuôi chuột với giá 2.000 đồng/đuôi. Đối với diện tích rau màu bị thiệt hại, đặc biệt là 15 ha ớt vừa xuống giống bị thiệt hại hoàn toàn, xã vận động bà con nhanh chóng thu dọn, chuẩn bị ươm loạt giống mới để trồng lại khi nắng ráo.
Minh Ngọc
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn