Làng rau Thuận Nghĩa chuẩn bị cho vụ rau tết

Thứ ba - 11/01/2022 17:01
Vụ rau Tết được nông dân làng rau Thuận Nghĩa, thị trấn Phú Phong khởi động từ rằm tháng 10 Âm lịch. Giờ đang là thời điểm bà con khẩn trương chăm bón để rau phát triển đúng vụ thu hoạch.
Tập trung chăm sóc cho vườn súp lơ trổ bông đúng thời điểm
Tập trung chăm sóc cho vườn súp lơ trổ bông đúng thời điểm

Năm nay, nông dân Thuận Nghĩa trồng thử một số giống rau mới như: Cải thìa, súp lơ vàng, cải bó xôi. Bà Đào Thị Dĩ chia sẻ: Trồng rau theo chuẩn VietGAP đòi hỏi mình phải nghiêm túc tuân thủ nhiều quy định để đảm bảo sản phẩm đủ độ an toàn, hợp chuẩn khi thu hoạch. Với giống mới như súp lơ vàng mà tôi đang trồng đây, còn phải kỹ lưỡng hơn nữa.
Mặc dù dịch bệnh Covid-19 kéo dài, gây khó khăn trong sản xuất nông nghiệp, nhưng nhiều người dân của Làng rau Thuận Nghĩa vẫn luôn bám đồng ruộng để lo công việc sản xuất rau vụ tết. Làng rau này hiện có diện tích trồng rau hơn 38 ha, trong đó có 19,5 ha được Trung tâm chất lượng nông, lâm, thủy sản vùng 2 thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn công nhận quy hoạch diện tích sản xuất rau an toàn theo tiêu chuẩn VIETGAP, với tổng số 224 hộ thành viên của 9 nhóm cùng sở thích sản xuất rau an toàn tham gia. Bình quân mỗi ngày, sản lượng tiêu thụ của Làng rau từ 4 tấn đến 5 tấn rau, củ, quả tươi. Riêng trong dịp tết, sản lượng tiêu thụ rau tăng lên. Với giá bán ổn định, người trồng rau nơi đây thu lãi hơn 3 triệu đồng trên 1 sào đất mỗi vụ.
Bà Nguyễn Thị Thu - Nhóm trưởng Nhóm cùng sở thích sản xuất rau an toàn Thuận Nghĩa cho biết: Gần 10 năm canh tác rau theo tiêu chuẩn VietGAP, nông dân Thuận Nghĩa đã thuần thục và nhận thức tốt vấn đề an toàn thực phẩm, an toàn sản xuất, bảo vệ môi trường trong quá trình sản xuất rau. Việc kiểm tra, giám sát nội bộ, kiểm tra chéo giữa các nhóm hộ với nhau đã giúp cho quy trình sản xuất rau chặt chẽ, chất lượng đảm bảo hơn. Qua đó mỗi thành viên tự ý thức về chất lượng sản phẩm để tạo uy tín, thương hiệu riêng cho  mỗi cá thể. Các nhóm trưởng đóng vai trò quan trọng trong việc điều phối sản xuất. Thông qua sự phân chia của nhóm trưởng, thành viên trong nhóm sẽ luân phiên sản xuất nhiều loại rau theo từng vụ và nhu cầu của Hợp tác xã. Nhờ đó mà rau Thuận Nghĩa đa dạng chủng loại, rải đều thời điểm thu hoạch để đáp ứng tốt nhu cầu thị trường mà vẫn giảm đến mức thấp nhất hiện tượng “dội chợ”.
Ông Quách Văn Cầu - Giám đốc Hợp tác xã nông nghiệp Thuận Nghĩa cho biết: Sản phẩm rau của bà con nông dân làm ra đến đâu, đều được HTX nông nghiệp Thuận Nghĩa thu mua kịp thời đến đó để đưa vào Nhà máy sơ chế rau an toàn theo tiêu chuẩn VIETGAP. Nhà máy này do Dự án Rau an toàn Bình Định tài trợ kinh phí đầu tư xây dựng gồm có: 1 máy ly tâm, hệ thống rửa rau sạch, 1 máy sụt khí Ozon và hệ thống kho lạnh. Công suất thực tế của Nhà máy bình quân mỗi ngày sơ chế từ
500 kg đến 700 kg rau, với 4 công nhân trực tiếp tham gia. Riêng trong dịp tết, do nhu cầu tiêu thụ rau trên thị trường tăng lên, nên HTX đã nâng công suất sơ chế rau mỗi ngày tăng lên gấp đôi.   
Nhờ đẩy mạnh ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất và chủ động tìm kiếm thị trường tiêu thụ, HTX nông nghiệp Thuận Nghĩa, huyện Tây Sơn đã thực hiện tốt chuỗi liên kết từ sản xuất đến tiêu thụ sản phẩm rau an toàn theo tiêu chuẩn VIETGAP, góp phần nâng cao chất lượng nông sản phục vụ người tiêu dùng, bảo vệ môi trường sinh thái cũng như giúp người trồng rau có thêm thu nhập trong dịp tết/.
Nguyệt Ánh

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

LỜI CHÀO MỪNG
Lời chào mừng
Liên kết Web
THỐNG KÊ
  • Đang truy cập12
  • Hôm nay2,399
  • Tháng hiện tại106,136
  • Tổng lượt truy cập6,690,551
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây