Gia đình ông Nguyễn Văn Long thôn Phú Lạc, xã Bình Thành là một điển hình. Những năm trước đây, gia đình ông chủ yếu là nuôi bò vàng, dáng vóc nhỏ, trọng lượng thấp, sản lượng thịt không cao, nên hiệu quả chăn nuôi thấp. Tháng 5/2021, gia đình ông được Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Tây Sơn chọn triển khai mô hình, thời gian thực hiện trong vòng 6 tháng, quy mô 5 con bò giống, trong đó có 2 con 3B, 1 con Red Angus và 2 con Kobe. Tổng kinh phí thực hiện mô hình gần 112 triệu đồng, trong đó, hộ ông Long được Nhà nước hỗ trợ gần 38 triệu đồng, bao gồm vật tư, con giống và tập huấn toàn bộ quy trình kỹ thuật nuôi, chăm sóc bò. Khi mới nhập về thì một con giống chừng 4 - 5 tháng tuổi, trọng lượng trung bình 187 kg/con. Sau 6 tháng thả nuôi, đến cuối tháng 11/2021, qua tổng kết mô hình cho thấy: Các chỉ tiêu kinh tế - kỹ thuật đạt (tăng trọng bình quân 1.200g/con/ngày) và cao hơn so yêu cầu (650g/con/ngày). Trọng lượng bình quân 01 con khi kết thúc nuôi 402kg. Với giá thành 1kg thịt hơi: 63.200 đồng, sau khi trừ chi phí, tổng lợi nhuận 43.780.000 đồng/5 con. Với các giống bò lai này, ngoài cỏ, cần phải cho ăn thêm hèm rượu lên men và một số loại cám để kích thích phát triển. Khu chuồng trại cũng phải thiết kế diện tích đủ để bò có thể đi lại, tắm nắng, như vậy mới tiêu hóa được thức ăn.
Để nâng cao chất lượng đàn bò, tăng hiệu quả chăn nuôi, bên cạnh việc đầu tư xây dựng chuyển giao các giống vật nuôi mới cho nông dân, trong những năm qua Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Tây Sơn đã phối hợp với các địa phương triển khai xây dựng các mô hình chăn nuôi bò thịt chất lượng cao bằng 3 giống bò lai chủ lực là 3B, Red Angus và Kobe. Các hộ tham gia mô hình đều được Nhà nước hỗ trợ 30% tiền mua bò giống, 50% tiền mua thức ăn công nghiệp. Ngoài ra, còn được cán bộ thú y chuyển giao kỹ thuật, chuồng trại, hỗ trợ tiền chuyển những diện tích cây trồng chưa hiệu quả sang trồng cỏ làm thức ăn chăn nuôi. Nhờ đó, phong trào chăn nuôi bò thịt chất lượng cao trên địa bàn xã Bình Thành nói riêng và huyện Tây Sơn phát triển mạnh, đặc biệt tại xã Bình Thành nhiều hộ đã tham quan, học hỏi từ mô hình nuôi bò, trong đó có trên 15 hộ đã về tự đầu tư chăn nuôi phát triển được đàn bò thịt chất lượng cao từ 5 - 10 con/hộ, hiệu quả kinh tế tăng trưởng rõ rệt so với chăn nuôi bò thông thường.
Theo ông Trịnh Văn Thừa - Giám đốc Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp: Huyện Tây Sơn rất chú trọng công tác lai tạo đàn bò, đến nay đã cơ bản hoàn thành giai đoạn 1: “Zêbu hóa đàn bò”. Hiện nay, toàn huyện có tổng đàn trên 40.000 con bò, trong đó tỷ lệ bò lai đạt trên 90%. Thực hiện tiếp giai đoạn 2: Khi có đàn bò lai Zêbu ổn định, tiến hành chọn bò cái lai Zêbu để làm nền (trọng lượng từ 250kg, phẩm giống tốt từ F2 trở lên) và dùng tinh các giống bò chuyên thịt cao sản (Drought master, Red Angus, BBB, Kobe,…) phối giống để tạo ra bò lai hướng chuyên thịt chất lượng cao, nhằm chuyển giao cho bà con nông dân những tiến bộ kỹ thuật mới trong chăn nuôi theo đề án phát triển bò thịt chất lượng cao trong giai đoạn 2021 - 2025 của tỉnh nhằm đạt 3 yếu tố: năng suất, chất lượng và đạt hiệu quả kinh tế, từng bước nhân ra diện rộng trong thời gian tới. Đồng thời, kiến nghị với UBND huyện và các ngành liên quan kêu gọi, thu hút các nhà đầu tư xây dựng cơ sở giết mổ chế biển sản phẩm động vật hoặc liên kết để thu mua tiêu thụ, trong đó có bò thịt chất lượng cao để ổn định giá, giúp bà con chăn nuôi yên tâm sản xuất và các xã, thị trấn có thể đăng ký sản phẩm OCOP bò thịt chất lượng cao.
Văn Phong
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn