Có hơn 12 sào đất sản xuất đậu phộng, từ khoảng 10 ngày trước, gia đình ông Nguyễn Văn Sỹ (thôn Thuận Hạnh) đã tiến hành cày ải, xuống phân để chuẩn bị sản xuất cây đậu phộng. Phân bón được sử dụng là phân chuồng hoai mục và chế phẩm sinh học Tricodema vừa kích thích sự sinh trưởng, phát triển của cây, vừa trừ được bệnh nấm, chết yểu trên cây đậu phộng.
Vụ đậu năm nay, xã dự kiến đưa vào sản xuất gần 750 ha đậu phộng (tương đương so với diện tích năm ngoái và là xã có diện tích đậu lớn nhất huyện Tây Sơn). Các giống đậu được bà con gieo trồng gồm: Sẻ, Mỏ két, TB25, HL25, LDH 01. Theo nhiều người làm đậu ở xã, đây là các giống đậu nhỏ hạt có lượng dầu nhiều, rất được thị trường ưa chuộng để ép dầu ăn.
Ông Tạ Văn Việt, cán bộ Nông nghiệp xã Bình Thuận: Ngoài áp dụng các loại máy móc, kỹ thuật trong sản xuất cây đậu phộng như một vài năm gần đây; vụ Đông Xuân năm nay, được sự hỗ trợ của Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh, xã thực hiện mô hình thâm canh đậu phộng gắn với liên kết chuỗi có sử dụng hệ thống tưới tiết kiệm trên cây đậu phộng với diện tích trên 3 ha/3 hộ tại 3 thôn Thuận Hạnh, Thuận Truyền và Hòa Mỹ; các hộ tham gia mô hình được hỗ trợ về khoa học kỹ thuật, vật tư, giống, phân bón, tổng kinh phí gần 100 triệu đồng. Mô hình nhằm giúp giảm công lao động, giảm chi phí sản xuất và giảm lượng nước tưới, tạo ra môi trường nông nghiệp an toàn, nâng cao hiệu quả kinh tế trên một diện tích đất.
Minh Ngọc
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn