Xã Bình Nghi là xã có diện tích nhiễm rầy nhiều nhất huyện với tổng diện tích khoảng 45 ha. Trong đó có 34 ha nhiễm rầy nặng. Năm nay lúa Đông Xuân ở xã Bình Nghi nhiễm liên tiếp 2 đợt rầy. Đợt rầy từ ngày 05/3 đến ngày 15/3/2022 xuất hiện tập trung ở Đồng Gò Cát, Mẫu Chùa, Đất Nặn của thôn 2, thôn Thủ Thiện Thượng và Đồng Lò Rèn, xóm Trung của thôn 3, thôn 1 và thôn Lai Nghi. Theo kết quả kiểm tra của Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện thì mật độ rầy trên các diện tích này khá cao. Để cấp bách cứu lúa Đông Xuân, UBND xã Bình Nghi đã quyết định thành lập Tổ công tác để giúp cho UBND xã trong công tác phòng chống dịch hại trên lúa đông xuân năm 2021 - 2022. Theo đó, tổ chức khoanh vùng, thống kê diện tích đề xuất Sở Nông nghiệp và PTNT hỗ trợ thuốc bảo vệ thực vật phòng, trừ rầy cho 31 ha lúa thuộc thôn 2, thôn Thủ Thiện Thượng là những vùng nhiễm rầy rất nặng. Dưới sự giám sát của cán bộ Chi cục bảo vệ thực vật tỉnh và Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện, ngày 10/3, UBND xã Bình Nghi đã cấp phát thuốc trừ rầy cho 422 hộ dân có ruộng trong vùng được hỗ trợ. Vận động nhân dân khẩn trương phun thuốc trừ rầy, kịp thời khống chế, không để lan ra diện rộng và “cháy rầy”. Bên cạnh việc hỗ trợ thuốc, UBND xã cũng phối hợp với Chi cục bảo vệ thực vật tỉnh tổ chức lớp tập huấn sử dụng thuốc phòng trừ dịch rầy, hướng dẫn phun thuốc đúng cách, đúng liều lượng để đạt hiệu quả cao nhất.
Xã Tây An cũng là 1 trong 2 xã trọng điểm có diện tích nhiễm rầy cao, với tổng diện tích 25 ha, tập trung nặng ở khu vực xóm 3, thôn Đại Chí. UBND xã đã nhanh chóng phân công cho cán bộ nông nghiệp liên tục kiểm tra, theo dõi báo cáo tình hình dịch hại để lãnh đạo nắm bắt chỉ đạo thực hiện. Theo đó, xã cũng triển khai tại các cuộc họp để cán bộ chủ chốt các thôn nắm bắt tình hình dịch hại, vận động người dân thực hiện. Tăng cường thời lượng phát thông báo trên hệ thống đài truyền thanh, vận động bà con nông dân thường xuyên thăm đồng, cập nhật thông tin hướng dẫn của ngành chuyên môn và chính quyền địa phương mua đúng loại thuốc hướng dẫn, sử dụng đúng liều lượng, phun đúng cách, kịp thời trừ dịch hại, bảo vệ lúa Đông Xuân.
Hiện lứa rầy trên lúa Đông Xuân của huyện đang giai đoạn phát dục tập trung tuổi 1 - tuổi 2. Mật độ phổ biến từ 500 - 1.000 con/m2, một số nơi có mật độ cao từ 2.000 - 3.000 con/m2, cục bộ có ổ rầy từ 5.000 - 7.000 con/m2. Dự báo trong thời gian đến, rầy nâu và rầy lưng trắng chuyển tuổi, rầy non tiếp tục nở rộ đến ngày 15/3/2022 (riêng trên lúa trà muộn, rầy non sẽ nở rộ đến 20/3/2022) gây hại mạnh trên các trà lúa. Trước tình hình trên, UBND huyện đã chỉ đạo Phòng Nông nghiệp và PTNT huyện, Trung tâm Dịch vụ Nông nghiệp huyện, UBND các xã, thị trấn chỉ đạo cán bộ kỹ thuật được phân công đứng chân địa bàn thường xuyên phối hợp kiểm tra diện tích nhiễm rầy nâu, rầy lưng trắng, diện tích cần phòng trừ; xác định những vùng có diện tích rầy tập trung, mật độ cao, có nguy cơ “cháy rầy” cần huy động nguồn lực tổ chức phun trừ rầy tập trung để đề xuất Sở Nông nghiệp và PTNT hỗ trợ thuốc bảo vệ thực vật phòng, trừ rầy kịp thời, không để lây lan, gây hại trên diện rộng làm ảnh hưởng đến năng suất, sản lượng lúa vụ Đông Xuân 2021 - 2022. Tăng cường công tác tuyên truyền, hướng dẫn nông dân thực hiện các biện pháp phòng trừ rầy kịp thời, hiệu quả. Tăng cường công tác kiểm tra, dự tính, dự báo, thông báo kịp thời, chính xác tình hình phát sinh và diễn biến rầy nâu, rầy lưng trắng và các loại sâu bệnh gây hại lúa và các cây trồng vụ Đông Xuân 2021 - 2022./.
Nguyệt Ánh
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn