Bức tranh kinh tế - xã hội huyện Tây Sơn năm 2021: Nhiều gam màu tươi sáng

Chủ nhật - 06/02/2022 08:07
Năm 2021 vừa qua, thực hiện nhiệm vụ trong bối cảnh khó khăn chung do tình hình dịch Covid-19 nhưng dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo và điều hành năng động của cấp ủy, chính quyền, sự vào cuộc tích cực của các ngành, các địa phương, sự chung tay góp sức của người dân, doanh nghiệp, bức tranh kinh tế - xã hội của huyện Tây Sơn vẫn có những gam màu tươi sáng.
Sản xuất gạch tại công ty TNHH Huy Hoàng Thiện
Sản xuất gạch tại công ty TNHH Huy Hoàng Thiện

Tổng giá trị của các ngành sản xuất chính năm 2021 ước đạt 16.203,9 tỷ đồng, tăng 10,3% so cùng kỳ; 12/14 chỉ tiêu chủ yếu đạt và vượt kế hoạch. Đây là nền tảng tạo đà để huyện Tây Sơn vững tin bước vào thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội trong năm 2022 và những năm tiếp theo.
Trong sản xuất nông, lâm, thủy sản, huyện đã tập trung chỉ đạo các ngành, các địa phương đẩy mạnh việc chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi, đưa các tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất; thu hút các doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn theo hướng công nghệ cao, sản xuất theo chuỗi giá trị. Giá trị sản xuất nông - lâm - thủy sản ước đạt 1.790,89 tỷ đồng, tăng 3,6% so với cùng kỳ. Năm qua, 2 xã Bình Thành và xã Bình Tân hoàn thành các tiêu chí xây dựng nông thôn mới, xã Tây Phú hoàn thành các tiêu chí nông thôn mới nâng cao, huyện đạt 5/19 tiêu chí huyện nông thôn mới đã công nhận thêm 14 xã đạt chuẩn nông thôn mới. 
Cùng với việc tập trung chỉ đạo tạo ra sự đổi mới trong phương thức sản xuất, tạo cơ hội cho người nông dân tự giảm nghèo bằng các chương trình kinh tế thiết thực, UBND huyện đã quyết liệt chỉ đạo các cấp, các ngành, các địa phương tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính, triển khai thực hiện kịp thời các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp duy trì hoạt động sản xuất, cải tiến công nghệ, nâng cao chất lượng sản phẩm, mở rộng thị trường tiêu thụ. Huyện cũng tăng cường đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, quy hoạch mở rộng các cụm công nghiệp, tích cực xúc tiến kêu gọi đầu tư. Qua đó, đã thu hút 24 dự án đăng ký đầu tư sản xuất kinh doanh trên địa bàn huyện, tổng diện tích hơn 124 ha với tổng vốn đầu tư 724,1 tỷ đồng, dự kiến giải quyết việc làm cho hơn 1.330 lao động, góp phần tăng giá trị sản xuất công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp - xây dựng ước đạt 3.900,4 tỷ đồng, tăng 9,3 % so với cùng kỳ. Tổng thu ngan sách nhà nước đạt 786,94 tỷ đồng, đạt 175,56% dự toán tỉnh giao, đạt 126,61% chỉ tiêu huyện giao. 
Thương mại - dịch vụ - du lịch (TM-DV-DL) tiếp tục tăng trưởng, giá trị sản xuất TM-DV-DL ước đạt 10.512 tỷ đồng, tăng 11,9% so cùng kỳ. Tuy tình hình dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, kéo dài nhưng nhìn chung các mặt hàng tiêu dùng trên địa bàn khá đa dạng, giá cả thị trường bình ổn, bảo vệ quyền  lợi người tiêu dùng, đáp ứng nhu cầu mua sắm, tiêu dùng của nhân dân. Hoạt động du lịch được duy trì, nhiều công trình lịch sử, du lịch sinh thái được quan tâm đầu tư, góp phần đáng kể cho phát triển dịch vụ du lịch.
Song song với nhiệm vụ phát triển kinh tế, huyện đã tập trung đầu tư nguồn lực cho xây dựng kết cấu hạ tầng; nhiều công trình trọng điểm, công trình mang tính kết nối, tạo điều kiện phát triển cho huyện, liên huyện, liên vùng được đầu tư xây dựng, đưa vào sử dụng có hiệu quả như nâng cấp hệ thống Quốc lộ 19 từ sân bay Phù Cát đến Bảo tàng Quang Trung, Đập dâng Văn Phong kết nối giữa Quốc lộ 19 với Quốc lộ 19B, xây dựng tuyến đường tránh phía Nam thị trấn Phú Phong với chiều dài 18 km,... Tổng vốn đầu tư xây dựng, phát triển hạ tầng trên địa bàn huyện ước đạt trên 2.000 tỷ đồng, kinh phí bồi thường giải phóng mặt bằng trên 108 tỷ đồng,...
Lĩnh vực văn hóa - xã hội tiếp tục được duy trì và có nhiều tiến bộ. Chất lượng giáo dục được nâng lên. Công tác y tế, bảo vệ sức khỏe nhân dân trong đại dịch được chú trọng thực hiện. Lĩnh vực bưu chính, viễn thông tiếp tục phát triển, phục vụ tốt công tác chỉ đạo, điều hành của cấp ủy, chính quyền các cấp và nhu cầu của người dân. Hoạt động thông tin truyền thông có nhiều tiến bộ. Phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa đô thị văn minh” có nhiều chuyển biến, góp phần đắc lực cho việc phát triển kinh tế ở nông thôn, tạo tiền đề cho việc tập trung xây dựng nông thôn mới. Bên cạnh đó, công tác dân tộc, tôn giáo; công tác chăm lo cho gia đình có công, đối tượng bảo trợ xã hội, hỗ trợ hộ nghèo cũng được các cấp, các ngành quan tâm thực hiện. Trong năm đã giải quyết việc làm mới cho 2.170 lao động, tỷ lệ hộ nghèo giảm 1,44%.
Ông Phan Chí Hùng - Chủ tịch UBND huyện Tây Sơn: Thời gian tới, huyện tập trung thực hiện tốt các biện pháp thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19, ưu tiên bảo vệ sức khỏe, tính mạng của người dân. Phát huy tiềm năng và lợi thế sẵn có, để  tăng tốc phát triển. Trong đó xác định 3 khâu đột phá chính là đầu tư xây dựng hoàn thiện kết cấu hạ tầng; đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính theo hướng tinh gọn, chuyên nghiệp, cải thiện môi trường đầu tư; nâng cao năng lực đội ngũ cán bộ, đáp ứng nhiệm vụ trong tình hình mới. Dựa trên các “trụ cột” chính là đẩy mạnh phát triển công nghiệp, đầu tư hoàn thiện cơ sở hạ tầng, thu hút đầu tư vào các cụm công nghiệp. Cùng với đó là đẩy mạnh phát triển du lịch, dịch vụ dựa trên lợi thế các di tích lịch sử, danh lam thắng cảnh. Đẩy mạnh phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, dựa vào các sản phẩm có thế mạnh như rau an toàn VietGAP Thuận Nghĩa, bò thịt chất lượng cao, gà thả đồi, đậu phụng,… tạo mô hình liên kết chuỗi, cung ứng cho các đô thị lớn trong và ngoài tỉnh. Mục tiêu đặt ra là đến năm 2023, huyện có 100% số xã đạt chuẩn nông thôn mới và huyện về đích nông thôn mới. Phấn đấu xây dựng huyện Tây Sơn đạt chuẩn đô thị loại IV vào năm 2024 và sớm đạt các tiêu chí để thành lập thị xã.
Minh Ngọc

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

LỜI CHÀO MỪNG
Lời chào mừng
Liên kết Web
THỐNG KÊ
  • Đang truy cập39
  • Hôm nay4,109
  • Tháng hiện tại155,628
  • Tổng lượt truy cập7,073,606
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây