Nghề vất vả, lại ít lời
Những ngày cuối năm, chúng tôi có dịp ghé thăm làng nghề. Vừa nghe bác trưởng khối giới thiệu tôi muốn tìm hiểu về nghề làm đậu, bà Lâm Thị Phụng ở tổ 6, khối 1, thị trấn Phú Phong, huyện Tây Sơn: muốn làm một khuôn đậu bình thường thì phải làm từ 2 giờ đến 7 sáng mới có đi chợ bán; mùng 1, rằm hay tết thì hầu như không chợp mắt được lúc nào vì đêm thức làm, ngày phải đem đậu ra chợ bán; một người làm không nổi, phải có người phụ mới có thể làm được khuôn đậu hoàn chỉnh.
Bí quyết để miếng đậu mềm, mịn, không bị cứng chính là việc pha lượng nước muối đủ độ mặn để hòa với đậu và nấu nước đậu thật sôi nhưng việc lựa chọn được những hạt đậu đều nhau, vỏ mỏng, vàng ươm, có độ bóng nhẵn, không bị sâu lại là yếu tố đầu tiên để tạo ra miếng đậu ngon từ xưa đến nay ở đây. Ðậu phải được ngâm từ 5 - 6 giờ thì mang đãi sạch để loại bỏ tạp chất rồi mới xay. Nước bột được pha thêm nước muối theo tỷ lệ pha chế của người trong nghề rồi đem nấu sôi. Sau khi nấu sôi, thì lược qua vải để bỏ bã, đưa vào khuôn ép tạo thành các bìa đậu. Ðậu do bà con xóm Ðậu sản xuất là những miếng đậu trắng ngà, thơm ngon, giàu chất dinh dưỡng.
Người bán đậu lẻ ở xóm thường làm mỗi đêm một khuôn đậu với chừng 10 kg đậu khô để sản xuất 25 kg đậu thành phẩm. Chị Đỗ Thị Hạnh: Nghề làm đậu vất vả, lại ít lời, Với giá đậu khô 18.000 đồng, giá bán đậu miếng từ 10.000 đồng - 12.000 đồng/kg tùy theo buổi chợ đắt hay ế, người làm đậu có thu nhập chừng 50.000 - 70.000 đồng/ ngày, những nhà đông người, hoặc có mối bỏ sỉ thì làm nhiều hơn nhưng công tính cho mỗi người cũng chừng độ đấy; chủ yếu tận dụng được các phụ phẩm như xác đậu và nước đậu bán cho người dân hoặc gia đình sử dụng làm thức ăn cho gia súc, gia cầm; tính cả xác đậu thì kiếm được chừng 100.000 ngàn/ 10 kg đậu khô.
Giữ nghề truyền thống đã nuôi sống mình.
Để có đậu bán ra thị trường mỗi ngày, người làm phải làm liên tục và hầu như không có ngày nghỉ. Cực là vậy, nhưng hầu như ai cũng cố gắng giữ nghề bởi nó không mang lại nguồn thu nhập ổn định, nuôi sống bao thế hệ người dân mà còn là nét ẩm thực đặc trưng của địa phương. Ông Bùi Văn Chính, khối trưởng khối 1, thị trấn Phú Phong: Xóm Đậu là một trong nhiều xóm nghề thủ công của làng Kiên Mỹ xưa (nay là 2 khối 1 và 1A thuộc thị trấn Phú Phong, Tây Sơn). Sau mấy trăm năm, các ngành nghề truyền thống như rèn, trồng dâu nuôi tằm, trồng mía nấu đường ở đây dần mất đi và thêm vào một số nghề khác để tăng thu nhập cho gia đình. Riêng tại xóm 6, khối 1 còn trên 90 hộ còn giữ nghề truyền thống làm đậu khuôn. Ngày xưa, bà con ở xóm này đã sử dụng nông sản vốn có của địa phương là hạt đậu nành để sản xuất đậu khuôn. Cho đến hôm nay, qua quá trình đô thị hóa, vùng nguyên liệu sẵn có không còn nhưng bà con nơi đây vẫn giữ cách làm đậu theo phương pháp thủ công truyền thống, hoàn toàn tự nhiên, không thêm bất cứ loại hóa chất nào. Bởi họ biết người tiêu dùng ngày càng thông thái, nên họ phân biệt rất rõ chất lượng miếng đậu đã dùng bao năm qua.
Có thể nói, nhờ chắt chiu từng hạt đậu, trân quý cái nghề ông bà truyền lại, người dân ở xóm nhỏ bên bờ Sông Kôn ấy đã xây dựng được cuộc sống ấm no, sung túc, đủ đầy.
Minh Ngọc
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn